Farmstay, eco-homestay hay local experience (du lịch trải nghiệm địa phương) là những mô hình đang rất tiềm năng và có nhiều điều kiện phát triển tại Việt Nam. Đây là hình thức du lịch xanh, hướng đến sự bền vững, thân thiện với thiên nhiên, đồng thời đưa du khách tạm rời xa sự ngột ngạt và căng thẳng của cuộc sống thường nhật.
Nhưng theo anh Hiếu Nguyễn – một người từng có kinh nghiệm làm công tác bảo vệ rừng và du lịch cùng hơn 10 năm kinh doanh eco-homestay, là ông chủ của Bà Đất Homestay – nơi từng được các nghệ sĩ như Đen Vâu, H-Hen Niê ghé thăm, việc vận hành các mô hình này không đơn giản như câu nói “về quê nuôi cá và trồng thêm rau”.
Sau những năm đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, anh Hiếu rút ra được định hướng cho mô hình bền vững của mình: “Con người (People) tồn tại sinh sống, tác động vào thiên nhiên (Planet) để tìm kiếm nguồn lực, các giá trị (Profit). Ba yếu tố này cần được cân bằng với nhau, không phải bỏ phố về rừng và tác động vào rừng, khiến thiên nhiên bị tác động nhiều hơn.”
Anh cho rằng khi đã xác định làm farmstay/homestay/local experience thì cần làm đúng, tư duy đúng ngay từ đầu. Để làm được điều đó, ông chủ Bà Đất Homestay bật mí 12 kỹ năng “về vườn” mà bất kỳ ai có ý định theo đuổi mô hình này đều cần biết.
1. Mục đích – cơ hội
Quan trọng nhất là bạn làm việc đó để làm gì, mục đích và cơ hội như thế nào, nếu có bạn tham gia thì sự khác biệt ra sao. Mục đích chỉ cần sống được trước đã hay kỳ vọng hơn nữa. Bạn có điểm mạnh yếu ở chỗ nào, tìm nguồn lực hỗ trợ ở đâu, hãy đặt bút xuống ghi ra rõ ràng ý mình muốn. Như vậy, người giúp bạn cũng biết bạn làm gì và kiên định đi theo hướng đó mà không bị “lạc trôi”, lan man mất thời gian và tiêu tốn nguồn lực khi bắt đầu.
2. Thời gian
Cái gì cũng cần có thời gian, chứ không phải hàng ăn liền hay ra siêu thị sẵn có, nếu nóng vội rồi sai và cứ thay đổi chóng mặt thì rất khó. Bạn cần chuẩn bị để thích nghi với những va chạm về văn hoá, khác nhau về tư duy lối sống, mô hình kinh doanh.
Ví dụ mình làm du lịch, đi thuê nhân lực địa phương sẽ cần nhiều thời gian. Người lao động ở quê có thể làm nông giỏi, thật thà, nhưng khi bạn ngay lập tức đòi hỏi họ phải đúng giờ, lúc nào cũng nghiêm túc, vui vẻ hay tuân thủ quy trình thì rất khó. Bạn lại không có kỹ năng giao tiếp và làm việc với cộng đồng. Tìm người làm đã khó, lại không hề rẻ, nếu không khéo léo thì người bị thiệt chính là mình. Bạn có thể làm nhanh hơn, nếu có nguồn lực mạnh!
Anh Nguyễn Đình Hiếu – founder Bà Đất Homestay.
Kinh doanh như việc bạn trồng một cái cây lâu năm, khi cây đã lớn, trưởng thành thì thành quả bạn sẽ được thu trong rất nhiều năm. Còn nếu, bạn cứ muốn một phát ăn ngay, thì chỉ có trồng “lagume”, trồng nha thu nhanh thì mùa mới bạn lại phải bắt đầu lại từ đầu.
3. Rõ ràng
Mọi thứ nên rõ ràng ngay từ đầu, kể cả việc hợp tác với nhau, dù tình cảm thân thiết đến đâu nhưng về lợi ích, chuyên môn, trách nhiệm công việc, phân chia lợi nhuận thì nên rõ ràng ngay từ đầu bằng văn bản. Thà mất lòng trước, được lòng sau, còn cả nể thì người thiệt hại sẽ là chính bạn nếu không rõ ràng và chọn đối tác chưa chính xác
Mình nghĩ chắc chắn sẽ có những người hợp tác cùng, chỉ là tìm sao cho đúng người và rõ ràng. Kể cả khi làm cho gia đình thì cũng cần rõ ràng, tách bạch.
4. Cố vấn
Cần có người tư vấn kinh nghiệm hoặc chuyên môn về lĩnh vực bạn sẽ làm. Làm farmstay hay homestay có không gian sống đẹp, được chăm chút sẽ tốt và mang lại lợi ích cho sức khoẻ, cảm giác tích cực về trải nghiệm của khách hàng nhưng nếu làm thêm dịch vụ cho khách du lịch thì bạn cần một người có chuyên môn.
Một góc tại Bà Đất Homestay.
Người có kinh nghiệm, có chuyên môn thì họ đặt cục đá, kê cái cây, trồng thứ gì nhìn đều hợp lý và đẹp hết. Hãy tin việc này, nhiều bạn thường nghĩ tự mình làm để tiết kiệm chi phí nhưng điều này chỉ xảy ra nếu bạn đúng ngay từ đầu hoặc gặp may mắn. Tuy nhiên, việc quy hoạch tổng quan vườn, kế hoạch kinh doanh phải có form/format/business model canvas và tài chính, bạn không thể tự làm được tất cả mọi thứ cùng một lúc. Nếu không, mọi chuyện sẽ “rối như canh hẹ” và mất rất nhiều thời gian, tiền bạc, công sức cho những thứ không đáng, và sửa sai đôi khi còn mệt mỏi hơn nữa.
5. Mất tiền mà được việc
Bạn nên hiểu rằng chuyện mất tiền mà được việc là điều may mắn. Nhiều lúc đi sửa còn mệt mỏi hơn, hoặc làm không vừa ý, khó chịu lắm. Bạn sẽ không mất nhiều thời gian cho những thứ vô ích nhưng lại tiêu tốn nhiều thời gian, công sức của bạn, mà “thời gian là vàng bạc”.
6. Yếu tố gia đình
Nếu chỉ mình bạn thì có thể thích làm gì tùy thích, nhưng một số người dùng đất và cả nhân sự của gia đình. Quan trọng là phải có sự thống nhất, đả thông tư tưởng, thuyết trình như một nhà đầu tư thực thụ thì khi bắt đầu sẽ thêm thuận lợi. Nếu không sẽ dễ xảy ra xung đột từ việc không hiểu nhau Khởi nghiệp đã khó, chưa biết ngày sau sẽ ra sao mà còn suốt ngày bất đồng quan điểm, tiền chưa thấy mà chỉ thấy mất tình cảm thì không thể hiệu quả.
Khi đả thông được tư tưởng thì nguồn lực của bạn sẽ rất dồi dào, có sức mạnh, chỗ dựa vật chất và tinh thần, từ đó mà mọi chuyện thuận lợi và thêm lợi thế hơn. Bản thân mình phải kiên định và mất 5 năm để thuyết phục gia đình.
7. Mô hình kinh doanh
Nếu bạn có điều kiện thì cứ túc tắc qua ngày, nhưng khi dồn hết vào khu vườn thì phải cẩn thận lựa chọn mô hình, thời gian từ từ chuyển đổi. Mô hình của mình là dựa vào cộng đồng, nguồn lực tài nguyên của địa phương do bản thân không có nhiều điều kiện tốt khi bắt đầu . Vì vậy ngoài không gian gia đình sống thì mình còn làm dịch vụ. Tuy nhiên, địa điểm của bạn phải đúng, đàng hoàng và chỉ ra được thành quả, khi đó việc đề xuất hợp tác hay kêu gọi kinh doanh, đầu tư, vay vốn chắc chắn sẽ thuận lợi, hay gia đình sẽ ủng hộ bạn mạnh mẽ hơn.
8. Tài nguyên bản địa
Nên tận dụng tối đa các nguồn lực và nguyên vật liệu địa phương cho tiết kiệm nhất, kể cả đồ cũ nếu biết bày trí vẫn đẹp. Đồng thời, phải làm sao để vẫn thích nghi với lối sống hiện đại vì du khách đều từ đô thị trở về, có sự tiện nghi mà vẫn hài hoà sinh thái thì tốt hơn.
Nếu bạn tự làm được hoàn toàn sinh thái thì tốt, nhưng đa phần chúng ta không đủ nguồn lực, kinh nghiệm, kỹ năng. Do đó cần có sự phù hợp, tối đa hoá lợi ích không gian sống và chức năng của khu vườn.
9. Ứng biến
Khả năng linh hoạt ở đây nghĩa là đừng quá thuận theo tự nhiên, sinh thái 100% hay hữu cơ, tất cả cần làm sao cho phù hợp với mình, an toàn, sạch là được. Đừng tuyệt nhiên tin 100% theo trendy (xu hướng) và lậm vào đó, sách vở quá sẽ không ổn.
Vườn nhà mình hơn 10 năm không tác động hóa chất, thực phẩm trồng ra đảm bảo sạch đến 99%, chim chóc đến rất nhiều. Mình ăn gì thì khách ăn cái đó, nếu làm được tốt thì sẽ rất tuyệt. Mình ra sản phẩm trải nghiệm liên tục, và điều chỉnh dần dần.
10. Nhỏ là đẹp
Đây là tên một tác phẩm của nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh E.F. Schumacher. Tác phẩm này đặt vấn đề con người ở vị trí trọng tâm của mọi sự phát triển. Đó là giá trị thực sự của phát triển, của nền văn minh, không phải chỉ là sự nhân lên của những thành tựu khoa họ hay chỉ số tiêu thụ hàng hóa, mà tùy thuộc vào sự thanh lọc nhân cách của con người.
Cùng với xã hội tiêu thụ, áp lực, stress đang càng lớn hay việc hướng đến nền kinh tế bền vững thì để hạnh phúc, bạn hãy sở hữu ít đi.
Nếu các bạn thực sự biết cách và chăm chút cho không gian của mình thì vẫn “sống” được bên cạnh việc kinh doanh (nếu có). Nếu lớn mà nguồn lực quản lý hiệu quả thì càng tốt nhưng lớn mà năng lực, khả năng không đáp ứng được, mọi thứ cứ dang dở, tiền hay thành quả sẽ khó thấy.
11. Chuẩn bị tinh thần với những cú sốc
Người ngoài nói bạn điên, thất bại nọ kia mới về quê là điều dễ xảy ra, nếu không có sự đồng thuận, cảm thông từ gia đình sẽ cô độc vô cùng. Bạn không trách họ được vì bao nhiêu người đang ở nơi điện đóm sáng bừng mà còn lo cái bụng chưa xong thì khó ai hiểu được cho ước mơ, tầm nhìn hay kế hoạch của bạn.
Đơn giản là chúng ta khác nhau, nhân sự cũng vậy. Mọi người cần thấu hiểu nhau, có hiểu thì mới có thương. Đồng thời, bạn phải cần mang một tinh thần hòa nhập cộng đồng, chuẩn bị các kỹ năng phù hợp. Chuẩn bị sẵn sàng rằng trong 6 – 12 tháng nữa sẽ sống bằng gì, chuẩn bị tài chính cho việc dự trữ này nếu về vườn không thuận lợi.
12. Kinh doanh là đời
Kinh doanh là một quá trình của sự trải nghiệm, sai lầm, thất bại, sửa sai, thành công, ghi nhận. Việc một mô hình kinh doanh thành công, thì bạn như thế nào thì kinh doanh của bạn như đứa con tinh thần, nó sẽ như vậy.
Nguyễn Đình Hiếu