Một góc bán đảo Thanh Đa nhìn từ Xa lộ Hà Nội, quận 2.
Tuy nhiên, cuộc sống của người dân vẫn tiếp tục bị đảo lộn do “ở cũng không xong, đi cũng không được” vì TP.HCM chưa “chốt” được phương án lựa chọn nhà đầu tư cho toàn khu này, mặc dù theo thông báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM mới đây, hiện đã có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước nộp hồ sơ tham gia đấu thầu khu đất “kim cương” này.
Theo đó, danh sách các nhà đầu tư bao gồm: Công ty TNHH Roytrade; Công ty CP Đầu tư Quốc tế FED Việt Nam; Công ty TNHH TM Petro Đông Nam Á; Liên danh Công ty CP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land; Liên danh Công ty CP Đầu tư Thương mại DV Thuận Tuấn, Công ty Golden Wealth Golbal Pty. Ltd; Công ty CP xử lý ùn tắc giao thông – môi trường; Công ty CP Quy hoạch- Kiến trúc Gia Bảo; Liên danh Công ty CP AGR.3000 Việt Nam, Gaudha Putih (Thaidand) và Công ty CP Tập đoàn PTDT Thái Thành Vân; Công ty CP Tập đoàn Sunshine; Công ty TNHH TMDV Khách sạn Tân Hoàng Minh.
Trong đó Tập đoàn Tân Hoàng Minh đề xuất lập đồ án quy hoạch dự án khu đô thị dự án Bình Quới – Thanh Đa.
Các nhà đầu tư đã đưa ra những điều kiện thể hiện trách nhiệm với TP.HCM muốn tham gia đấu thầu và phát triển dự án trên. Một số nhà đầu tư có cho biết sẽ xây tặng TP một số cây cầu (theo quy hoạch) nối vào bán đảo Thanh Đa nếu họ trúng thầu. Tuy nhiên cũng đưa ra những yêu cầu của TP.HCM đối với nhà đầu tư nếu trúng thầu, như thời gian giao đất, chi phí giải phóng mặt bằng…
Dự án Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa có diện tích 427 ha nằm trọn trong phường 28, quận Bình Thạnh, được UBND TP HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định.
Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000. Cuối năm 2015, Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất) được UBND TP HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn khoảng 30.700 tỷ đồng.
Nhưng sau đó, Emaar Properties PJSC đã rút lui. Hơn 26 năm được phê duyệt, đến nay Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển khả quan. Từ khu trung tâm TPHCM kết nối với bán đảo Thanh Đa bằng một cây cầu duy nhất.
Hiện tại, hơn 3.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu ở bán đảo Bình Quới – Thanh Đa vẫn đang sống với nghề nông, buôn bán nhỏ và… chờ đợi. Gần 30 năm quy hoạch “treo”, bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã trở về vạch xuất phát ban đầu, tức là đang chờ TP.HCM xây dựng phương án tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.
Bên kia sông là quận 2 với khu cảng hoạt động rất nhộn nhịp, xung quanh được bao bọc bởi hàng loạt toà cao ốc hiện đại.
Sống giữa lòng thành phố, người dân nơi đây vẫn làm nghề trồng lúa, nuôi vịt, nuôi bò… như một vùng nông thôn. Tuy nhiên, khác với các khu vực nông thôn, người dân có thể làm lại căn nhà, người dân Thanh Đa chẳng thể làm gì trên mảnh đất của mình. Suốt quãng thời gian dài, họ chỉ biết đến những dự định.
Đến đây, khung cảnh cuộc sống của người dân chẳng khác mấy một vùng quê với ruộng lúa, bờ ao, những con đường nhỏ dưới những hàng dừa. Thế nhưng, phía sau không gian tưởng như “yên bình” đó là cuộc sống khốn khổ của hàng ngàn hộ dân đã kéo dài hơn 26 năm vì dính quy hoạch. Nhà cửa ở đây đa phần lụp xụp, nhiều căn chỉ làm tạm bợ bằng lá dừa, tấm tôn. Theo người dân ở đây, mặc dù nhà cửa hư hỏng, xuống cấp nhưng họ không thể xây mới, muốn sửa chữa, cơi nới cũng phải xin phép, vướng rất nhiều thủ tục.
Khi nhắc tới thông tin về việc thành phố quy hoạch xây dựng bán đảo Thanh Đa thành một khu siêu đô thị hiện đại, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ. Họ cho rằng nhiều lần họ bị hứa lèo.
Dù chỉ cách trung tâm TP HCM chừng 5km, bán đảo Thanh Đa như một ốc đảo, tách biệt với sự nhộn nhịp thường thấy ở phố thị. Chỉ có một con đường độc đạo đi vào bán đảo từ hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh qua cầu Kinh Thanh Đa. Hoặc người ta có thể vượt sông Sài Gòn bằng con đò nhỏ chỉ chở được người và xe máy từ hướng quận Thủ Đức.
Thực vậy, khi qua khỏi cầu Kinh Thanh Đa là con đường Bình Quới chạy dài khoảng 4km dẫn vào những khu dân cư vẫn còn khá đơn sơ, cây cỏ mọc cao hơn đầu người. Tại một số khu vực sâu dọc bờ sông, chỉ có một vài hộ dân sinh sống. Đa số đất tại khu vực này là đất lúa, ao hồ, do vậy người dân ở đây sinh sống bằng nghề kinh doanh cho thuê đất để mở những khu vui chơi, câu cá, nghỉ mát hoặc nuôi tôm, cá…
Gia đình bà Nguyễn Thị Mai (phường 28, Q.Bình Thạnh) đã sống 4 đời ở đây, cho biết, cuộc sống của nhiều người dân sống xung quanh rất đỗi nhọc nhằn, cơ cực vì trồng lúa cũng thất thu, đất không được kinh doanh buôn bán vì dính quy hoạch.
“Muốn xây thêm nhà trọ để trang trải qua ngày nhưng chỉ mới xây lên chút thôi đã bị chính quyền đến yêu cầu đập bỏ. Quy hoạch treo riết dân mệt lắm. Chúng tôi sống tại khu vực gần trung tâm mà hoàn cảnh còn thê thảm hơn là vùng quê”, bà Mai bức xúc.
Bình dị cuộc sống “thôn quê” giữa lòng Sài Gòn đô hội.
Người dân khu này được cho là khổ nhất trong diện quy hoạch treo. Nhiều thanh niên sinh ở đây cho biết, từ lúc họ chào đời đến giờ đường sá, nhà cửa… không hề thay đổi.
Ông Nam, một người dân đường Bình Quới, phường 28, chia sẻ, dự án “treo” quá lâu, nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nhà cũ xuống cấp mà nhà mới thì không được xây. Khu vực Bình Quới – Thanh Đa đất trũng, rất hay bị ngập nước khi mưa lớn hoặc triều cường dâng cao làm các công trình xây dựng rất mau xuống cấp. Nếu triển khai dự án thì người dân ở đây cũng mong muốn được đền bù nhanh để còn ổn định cuộc sống.
Ông Trần Lâm Hà, ngụ tại một con hẽm, cho biết: “Từ năm 1994 đến nay, toàn bộ bán đảo Bình Quới – Thanh Đa đã thuộc diện quy hoạch phát triển khu đô thị, thành phố cũng đã rất nhiều lần công bố điều chỉnh quy hoạch. Nhưng đến nay vẫn chưa thấy thực hiện đầu tư gì. Chúng tôi chỉ sống trong những ngôi nhà tạm bợ, ngay cả việc xin phép sửa sang chút đỉnh để sống thoải mái còn không được phép thì làm sao bán đất được cho ai“.
Dân tại bán đảo Thanh Đa còn khổ hơn ở nông thôn vì cứ mỗi lần có mưa lớn hay triều lên là nước mênh mông, tràn vào nhà, rắn rết, chim chuột cũng bò vào theo.
Ngụ tại căn nhà 488/65/20 đường Bình Quới, ông Huỳnh Văn Hiện, cho biết: “Nhà dột nát lắm. Đi thì chưa được đi, mà ở thì không được sửa. Chịu hết nổi rồi”. Không riêng gia đình ông Hiện, nhiều hộ dân ở đây sống trong cảnh quy hoạch “treo” nên bán đất không ai mua, xây cất nhà cũng chẳng được.
Nhiều nhà có con cái ở riêng, muốn chia đất cho con để làm vốn nhưng nhà, đất đều nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, đành chịu. Bán tạp hóa bên lề đường, ông Lê Văn Năm, ngụ số nhà 1096 cho biết: “Thỉnh thoảng có đoàn về đây ngắm đường, đo đường… Thấy thì mừng, cũng nói với mọi người trong xóm cùng mừng. Nhưng rồi mãi cũng chẳng thấy chuyển biến”.
Theo lời chị Nguyễn Thị Thanh, bán rau chợ Bình Quới: “Hai năm trước, chúng tôi đi họp thấy thông báo có dự án Silicon Valley Bình Quới do Tập đoàn Bitexco đầu tư. Lúc đó, ai cũng nghĩ vậy là sắp chuyển đi. Tôi đã tìm lên Lái Thiêu, Bình Dương tìm đất, tìm nhà, dự định được đền bù thì chuyển đi. Vậy mà giờ đây nhà cửa xuống cấp, vẫn sống trong cảnh mưa ngập, triều cường…“.
“Vào khoảng tháng 9, tháng 10, nước nôi còn nhếch nhác hơn nữa. Nước ngập như trong ao hồ, đi lại vô cùng khó khăn. Giữa lòng thành phố hiện đại mà mỗi mùa mưa người dân phải đi lại bằng thuyền thô sơ tự làm…”, chị này cho biết thêm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, cần đưa dự án Khu đô thị bán đảo Thanh Đa ra đấu thầu quốc tế rộng rãi để tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực thực sự triển khai dự án. Bởi đây là dự án có quy mô lớn, theo tính toán sơ bộ, để có thể triển khai đến nơi đến chốn, cần phải có ít nhất từ 1,5 – 2 tỷ USD.
Theo ông Châu, thời gian qua, có khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm đến dự án này. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia được, cần thiết phải công khai thông tin đấu thầu rộng rãi mang tính quốc tế và phải có thời gian cần thiết để các nhà đầu tư nghiên cứu hồ sơ.
Giữa trưa nóng như lửa đốt, ông Phạm Công Hai (53 tuổi) dùng cuốc bới trên đống xà bần để lấp mảnh ruộng bỏ hoang. Ông Hai kể, trước đây mảnh ruộng này trồng lúa, sau trồng rau nuôi heo, nhưng mấy năm nay heo rớt giá, đành xin chính quyền lấp để trồng cây ăn trái, ngồi chờ dự án. “Có làm dự án hay không chính quyền phải trả lời cho dân một lần. Không làm thì trả đất cho dân làm ăn chứ đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm thế này, nóng lòng lắm”, ông Hai giãi bày.
Khi nhắc tới thông tin về việc thành phố quy hoạch xây dựng bán đảo Thanh Đa thành một khu siêu đô thị hiện đại, nhiều người dân tỏ ra thờ ơ. Họ cho rằng nhiều lần họ bị hứa lèo. “Giờ nghe cho vui chứ hứa hoài. Từ năm 1992 đến nay, cứ vài năm lại nghe có chủ đầu tư, thấy người ta đi đo đất, mời họp vẽ ra đủ thứ, rồi lại im hơi lặng tiếng”, ông Hai ngao ngán.
Trao đổi với nhiều hộ dân đang sinh sống trong khu Thanh Đa, đa phần các hộ dân đều có ý kiến ủng hộ với phương thức tái định cư tại chỗ. Bởi theo người dân, họ đã sinh sống nhiều đời tại đây nên việc thay đổi nơi sống khác, môi trường sống khác là điều không mong muốn. Họ đã chờ đợi khu đô thị này được xây dựng quá lâu, nên nếu thực hiện được tái định cư ngay trong dự án là điều hoàn toàn hợp lý.
“Việc này cũng giống như trường hợp trước đây Thành phố thực hiện chương trình xây dựng các chung cư cũ sắp sập tại Thanh Đa, người dân rất vui mừng khi được hoán đổi căn hộ ngay chính dự án mới”, một hộ dân sống trong khu Thanh Đa cho biết.
Những dãy nhà trọ, những nhà vách tôn tạm bợ được người dân xây dựng để ở hoặc cho thuê. Cuộc sống dường như tách biệt hoàn toàn với Sài Gòn phố thị. Những hộ nuôi heo, nuôi bò xả thải trực tiếp ra vườn ra ao khiến nhiều nơi ai cũng phải chịu cảnh mùi hôi thối. Cây cối, bụi rậm nhiều, nước ngập hàng tháng chưa hết, muỗi và côn trùng bay như mưa.
Con đường rộng chừng 3m này chỉ kéo dài được 1,7 km. Còn lại những con đường đất chỉ rộng chừng 1m len lỏi khắp bán đảo. Đường được đổ lớp đá gồ ghề, chỉ vừa một chiếc xe ba gác đi lọt. Những con đường được đắp cao hơn những mảnh vườn, ngôi nhà hai bên để không bị ngập. Hai bên là ao nuôi cá, ao sen, dừa nước, vườn mai. Càng đi sâu, đất bỏ hoang càng nhiều, dân cư càng thưa thớt.
Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp nhận kiến nghị của Sở Xây dựng và các sở có liên quan, cho phép Sở Xây dựng thực hiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng có thời hạn để bà con chủ động xây dựng, sửa chữa nhà cửa.
Như vậy, sau hơn 26 năm sống trong những ngôi lụp xụp mà không được phép sửa chữa cho khang trang thì sắp tới khoảng 3.400 người dân đang sinh sống tại đây đã có đủ điều kiện để nâng cấp nhà cửa, ổn định đời sống.
Trước đó, Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản kiến nghị UBND TP.HCM, rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá, xác định tính khả thi của dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa để điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, làm cơ sở để người dân được thực hiện tách thửa và được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định của UBND TP.HCM.