Những ngày sau tết đến thời điểm này, giá đất nội thành Phan Thiết và những khu vùng ven cứ tăng liên tục. Khu dân cư Hàm Thắng, Phong Nẫm, Bến Lội… được giới BĐS chào bán liên tục với giá thay đổi hàng ngày.
Những mảng đất nông nghiệp được nhiều người mua rồi lên thổ cư, phân lô, bán nền rất hút những người thu nhập thấp khi bán với giá khoảng 300 – 500 triệu đồng/lô. Do đó thị trường BĐS khá nhộn nhịp và được đánh giá đang khởi sắc sau thời gian dài trầm lắng.
“Có lẽ vì thế mà từ sau tết, nhiều công ty BĐS mọc lên như nấm với số lượng môi giới gần cả trăm người. Do đó, có sự cạnh tranh ngầm giữa các công ty cũng như giá rao bán đất được tính toán kỹ trước khi lên sàn. Do sức nóng của thị trường BĐS khiến nhiều sàn, nhiều môi giới vì lợi nhuận trước mắt mà có những tư vấn không chính xác, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, giám đốc một sàn giao dịch nhà đất tại TP Phan Thiết cho biết.
Chẳng hạn, thông tin xã Thiện Nghiệp, thành phố Phan Thiết có dự án sân bay, cách đây khoảng 1 năm, giá đất tại đây tăng chóng mặt, không ít người mua trở tay không kịp vì mỗi ngày một giá. Sau khi đợt sốt đất này hạ nhiệt thì hiện nay đất dọc khu quy hoạch sân bay tại Thiện Nghiệp tiếp tục nóng lên từng ngày, thậm chí từng giờ.
Qua tìm hiểu nhiều sàn môi giới tại khu vực, được biết khu vực đường ĐT715 nối đường Võ Nguyên Giáp với trung tâm xã Thiện Nghiệp luôn tấp nập người xe. Tại các quán cà phê dọc tuyến đường này, mỗi ngày luôn có hàng chục chiếc xe con mang biển số từ các tỉnh, thành phố đổ về. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, có thời điểm xe đi vào trung tâm xã Thiện Nghiệp phải nhích từng chút một do lưu lượng xe ô tô quá đông. Xung quanh câu chuyện trên bàn nước là giá cả từng miếng đất nông nghiệp.
Thời điểm cách đây 1 năm, việc mua bán sang nhượng đất đai ở đây diễn ra khá phức tạp, tạo cơn sốt đất “ảo”. Một sào đất nông nghiệp trước kia chỉ có giá khoảng 200 triệu đồng, đã tăng lên hơn 1 tỷ và chưa có dấu hiệu gì là hạ nhiệt. Riêng trong hơn 2 tháng trở lại đây, giá đất tại Thiện Nghiệp dọc tuyến đường hướng vào khu quy hoạch sân bay Phan Thiết đang thay đổi từng ngày, thậm chí là từng giờ.
Được biết, mỗi sào đất có mặt tiền đường ĐT715 từ 200 triệu trước khi có dự án sân bay thì nay đã được các đối tượng môi giới chào bán với giá 4 tỷ đồng. Đối tượng mua đất tại Thiện Nghiệp chủ yếu đến từ cácđịa phương ngoài tỉnh mua đi rồi chờ cơ hội bán lại.
Trong khi đó, tại xã Phong Nẫm – Phan Thiết (dọc đường Lê Duẩn, Trường Chinh, thôn Xuân Phú, Xuân Phong), một số nhà đầu cơ bất động sản chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn, tự làm đường beton, bắt điện, nước vào sau đó phân lô, bán nền cho người dân xây dựng nhà ở tràn lan, không theo quy hoạch nào. Sự hình thành nhiều khu dân cư tự phát, hạ tầng không đồng bộ như thế, gây lo ngại về ô nhiễm môi trường, PCCC, phá vỡ quy hoạch chung của TP trong tương lai.
Thời gian gần đây, thị trường BĐS khu vực thị xã La Gi và dọc tuyến đường biển Kê Gà đang phát triển mạnh, thu hút mạnh giới đầu tư, kèm theo đó giá BĐS tăng cao và nhiều điểm môi giới nhà đất ăn theo ra đời khiến thị trường này càng thêm hấp dẫn. Song song đó, nhiều khách hàng cũng chuyển dòng tiền vào nhà đất một số khu vực có tiềm năng vì muốn “ăn theo” các dự án quy mô lớn đang rục rịch triển khai xây dựng tại La Gi.
Một số dự án đất nền khác đã được chủ đầu tư bán ra thị trường trước đây với mức giá khoảng 6-8 triệu đồng/m2 thì nay được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá 12-13 triệu đồng/m2…Hay dự án nhà phố biển thương mại Queen Pearl Marina Complex tại La Gi cũng đang được giao dịch khá sôi động với giá 2-3 tỷ đồng/căn.
Cũng theo vị này, có lẽ nguyên nhân chính tạo nên cơn sốt đất đang lan rộng trên toàn địa bàn tỉnh chính là sự xuất hiện đồng thời nhiều đại gia BĐS với những dự án quy mô khá lớn như Novaland, Hưng Thịnh Corp., FLC, Thắng Lợi và các tập đoàn đầu tư đến từ Dubai mới đây. Song song đó, thông tin tỉnh này sẽ chính thức khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết trong quý 3/2019 càng làm cho giao dịch đất đai lên “cơn sốt”.
Đặc biệt phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Bình Thuận đang trở nên nhộn nhịp đón một làn sóng đầu tư mới. Bình Thuận vị trí gần TPHCM lại có gần 200 km bờ biển đẹp, quanh năm ấm áp ít bị bão lụt, nhiều dự án sân bay, đường cao tốc đang triển khai.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường ven biển đoạn Phan Thiết – Thuận Quý, tỉnh Bình Thuận.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch đường ven biển đoạn Phan Thiết – Thuận Quý, tỉnh Bình Thuận theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4166/VPCP-CN ngày 8/5/2018.
Trước đó, tỉnh Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ ngân sách đầu tư làm 3 tuyến đường ven biển trọng điểm, cấp bách.
Đó là đường ĐT 719B Phan Thiết – Kê Gà, thiết kế dài 25,4 km, rộng 16m, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; đường ĐT 719 Kê Gà – Tân Thiện (đã hư hỏng nặng nói trên), thiết kế dài 32,4 km, rộng 8m, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; Đường ĐT 711 có điểm đầu giao QL 28 (Hàm Thuận Bắc) cắt ngang quốc lộ 1A, điểm cuối giao trục ven biển ĐT 706B, dài 41 km, tổng mức đầu tư 1.490 tỷ đồng.
Bình Thuận có 192 km bờ biển quanh năm ấm áp, hiếm khi bão lụt, là tiềm năng lớn phát triển du lịch, nhưng nguồn vốn đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch còn rất nhiều khó khăn, phải dựa vào Trung ương. Vừa qua tỉnh đã đầu tư hoàn thành trục đường Hòa Thắng – Hòa Phú (tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng) nối liền mạch ven biển phía Bắc tỉnh từ Phan Thiết – Tuy Phong.
Năm 2017 dự án mở rộng tuyến đường từ Đá Ông Địa đến Khu du lịch Hoàng Ngọc (TP. Phan Thiết) cũng được phê duyệt, tổng mức đầu tư hơn 97 tỷ đồng. Hiện Bình Thuận đang tích cực phối hợp các bộ – ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ các dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết, cao tốc Phan Thiết – Nha Trang, sân bay Phan Thiết…
Từ hơn 2 năm qua, xác định du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bình Thuận sẽ là trung tâm du lịch – thể thao biển quốc gia vào năm 2020, tiềm năng, dư địa cho bất động sản nghỉ dưỡng còn rất lớn. Nhưng sự phát triển nóng luôn yêu cầu cao hơn về quản lý và quy hoạch.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Thuận hồi năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý: Bình Thuận có lợi thế so sánh, là mảnh đất “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, cấp ủy-chính quyền cần quan tâm phát triển bền vững, quy hoạch phải biết sử dụng đất đai hiệu quả, để Bình Thuận không phải là nơi diễn ra việc buôn bán bất động sản, chiếm bờ biển, chiếm đất đai.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản chỉ đạo hoả tốc gửi nhiều đơn vị, sở ngành trên địa bàn đề nghị thực hiện ngừng việc tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ tách thửa, san lấp mặt bằng, phân lô bán nền trên toàn tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu UBND TP. Phan Thiết và UBND các huyện, thị xã kiểm soát, quản lý hiệu quả việc thực hiện các dự án đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, mục đích sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt trên địa bàn quản lý; kiểm tra việc chuyển mục đích sử dụng đất, việc cập nhật các đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng, xử lý nghiêm túc, kịp thời đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, nhất là việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tự phát; thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đất đai, nhà ở khi giải quyết thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện chuyển nhượng;
Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát các trường hợp hộ gia đình, cá nhân tự ý tách thửa đất vườn ao, đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư, ven khu dân cư.
Hoặc mua bán sang nhượng bằng giấy tay, xây dựng nhà ở không phép khi chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các trường hợp tự ý tách thửa, mua bán trái phép, xây dựng nhà ở trái phép không phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng….
UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai phối hợp chặt chẽ với các địa phương kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đảm bảo theo quy chuẩn xây dựng mới thực hiện giải quyết hồ sơ tách thửa;
Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ phối hợp với UBND cấp huyện kiểm tra, quản lý chặt chẽ trật tự xây dựng, nhất là việc xây dựng không phép, sai phép công trình hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, đặc biệt là các vùng ven trung tâm thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết;
Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường mà có biện pháp kịp thời để ổn định thị trường, phòng ngừa và ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản trên địa bàn tỉnh…
Trong những ngày gần đây, đại diện lãnh đạo UBND TP. Phan Thiết cùng Phòng Tài nguyên – Môi trường, Thanh tra, Công an, Phòng Tài Chính thành phố đã khảo sát thực tế và làm việc bước đầu với UBND xã Thiện Nghiệp. Lãnh đạo thành phố chỉ đạo địa phương cần theo sát tình hình, kịp thời báo cáo biến động liên quan đến tình trạng sốt đất. Chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để phát hiện, xử lý về an ninh trật tự cũng như tranh chấp trong chuyển nhượng đất nếu có.
“Sau khi UBND TP. Phan Thiết chỉ đạo, xã có phối hợp với các ngành chức năng của thành phố tổ chức kiểm tra, nắm tình hình liên quan đến sốt đất tại địa phương. Đến hôm nay, tình trạng sốt đất cũng như xe cộ tấp nập như trước đây đang giảm rõ rệt. Hiện nay chủ yếu người mua bán đất tập trung đông và nhiều nhất vào các ngày thứ 7, chủ nhật. Qua nắm tình hình, nhìn chung hiện nay tình trạng sốt đất cũng đã cơ bản ổn”, ông Trần Ngọc Hận, Chủ tịch UBND xã Thiện Nghiệp cho biết.
Theo Nam Phong
Trí Thức Trẻ