[ad_1]
Trong đó, khối lượng giao dịch BĐS tại Châu Á Thái Bình Dương ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, đạt 29,5 tỷ USD trong quý 1/2020, giảm 34% so với cùng kỳ.
Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Singapore là những thị trường chịu ảnh hưởng nhiều nhất ở châu Á Thái Bình Dương, với tổng hoạt động đầu tư giảm ít nhất 60% so với cùng kỳ. Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn có lượng giao dịch tương đương hoặc cao hơn so với năm trước.
Ông Stuart Crow, CEO, Capital Market, Châu Á Thái Bình Dương, JLL cho rằng, với tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động đầu tư tại châu Á Thái Bình Dương quý 1/2020 sụt giảm là không điều thể tránh khỏi. Nhiều nhà đầu tư chọn phương án tạm dừng các quyết định mua bán trong giai đoạn kinh tế bất ổn và dự báo tình hình này sẽ tiếp tục kéo dài đến quý 2/2020. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư có thể sẽ phục hồi vào nửa cuối năm, khi đó, nhà đầu tư với tiềm lực vốn mạnh đang chờ đợi cơ hội sẽ triển khai vốn và thúc đẩy dòng chảy giao dịch mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực.
Theo đơn vị nghiên cứu này, tất cả các lĩnh vực BĐS thương mại trọng điểm đã bị tác động bởi Covid-19 trong Q1, với mức độ dòng vốn đầu tư thay đổi hàng năm.
Cụ thể, khối lượng đầu tư vào bán lẻ giảm mạnh 39% so với cùng kỳ do chính sách hạn chế đi lại và giãn cách xã hội ở nhiều thị trường lớn.
Khẩu vị của nhà đầu tư đối với tài sản văn phòng vẫn tích cực, tuy nhiên khối lượng đầu tư giảm 35% so với cùng kỳ, mặc dù đã bao gồm những thương vụ văn phòng quy mô lớn ở Trung Quốc đại lục, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hoạt động giao dịch khách sạn giảm 22% so với cùng kỳ, JLL ghi nhận một số thương vụ khách sạn đã hoàn tất vào tháng đầu của quý tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Thị trường công nghiệp và hậu cần ở Châu Á Thái Bình Dương là loại tài sản có khả năng phục hồi tốt nhất trong quý đầu năm, với hoạt động giao dịch tăng trưởng 9% so với cùng kỳ.
Theo JLL, nền tảng đầu tư và các yếu tố cơ bản quan trọng của Việt Nam vẫn tích cực mặc dù một số nhà đầu tư đang do dự về quyết định đầu tư của họ do tác động của Covid-19. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục tìm kiếm cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp, văn phòng và nhà ở. Tốc độ phản ứng nhanh chóng và xử lý hiệu quả Covid-19 của nhà nước chắc chắn sẽ nâng Việt Nam lên một tầm cao mới và kỳ vọng sẽ thấy khối lượng đầu tư tăng lên.
Tổng quan các thị trường quanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương dưới tác động của Covid-19:
Úc: Khối lượng giao dịch bất động sản thương mại giảm 28% so với năm trước. Thị trường văn phòng tại Sydney và Melbourne vẫn có những khả quan trong quý đầu tiên. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ giảm đến 78% so với quý trước vì nhiều giao dịch bán tài sản lớn đã bị hoãn lại hoặc bị hủy trong một số trường hợp, do triển vọng kém lạc quan cho các trung tâm mua sắm.
Trung Quốc đại lục: Hoạt động đầu tư quý 1/2020 tại Trung Quốc đại lục bị ảnh hưởng nặng nề, ghi nhận mức giảm 61% so với năm trước. Trong quý, bên mua đã trì hoãn kế hoạch đầu tư trong khi bên bán cũng đã phải thay đổi chiến lược. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước đã hoàn thành phần lớn các giao dịch tài sản văn phòng có quy mô, đặc biệt là ở Thượng Hải.
Hongkong: Tổng khối lượng giao dịch quý 1 tại Hongkong giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái, do ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình trên diện rộng và sau đó là Covid-19. Trong bối cảnh đó, các thương vụ thâu tóm đồng loạt (enbloc) hạn chế được thực hiện, và khoảng cách giữa kỳ vọng của người mua và người bán vẫn còn.
Nhật Bản: Hoạt động đầu tư vẫn giữ phong độ và ổn định hàng năm vì các thương vụ xuyên biên giới quy mô lớn đã làm giảm tác động của Covid-19. Văn phòng và bán lẻ đã giảm trong quý 1/2020, trong khi lĩnh vực hậu cần, khách sạn và nhà ở lại tăng theo năm.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế