[ad_1]
Pháp lý vẫn là câu chuyện được bàn nhiều nhất ở thời điểm này. Và, vô tình trở ngại về pháp lý khiến giá nhà đất liên tục tăng cao trong suốt 2 năm qua.
Trong 2 năm gần đây, thị trường Tp.HCM có sự sụt giảm mạnh cả về nguồn cung dự án và nguồn cung sản phẩm nhà ở do quá trình rà soát, thanh tra, kiểm tra và phê duyệt dự án kéo dài. Các vướng mắc phát sinh phổ biến liên quan đến phê duyệt quy hoạch 1/500 cho dự án dù đã có quyết định chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, các dự án xen cài đất ở, đất nông nghiệp, đất rạch, bờ đất, đường thuộc diện Nhà nước quản lý phải thực hiện quy trình, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và thủ tục tính tiền sử dụng đất cho dự án còn bất cập cũng ảnh hưởng nhiều đến việc phê duyệt. Và, chính thời gian chờ đợi đã khiến không chỉ doanh nghiệp khó khăn mà người mua nhà cũng không có sản phẩm để lựa chọn.
Khi không có nguồn cung mới ra thị trường thì giá BĐS thứ cấp liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Ảnh: Hạ Vy
Chính việc chậm pháp lý ảnh hưởng đến nguồn cung ra thị trường đã tác động đến mặt bằng giá BĐS trong thời gian qua.
Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh đã khiến giá nhà đất tại Tp.HCM tăng cao. Trong đó, năm 2019, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20%, cá biệt có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39% so với cùng kì năm ngoái. Điều này khiến số đông người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, mới lập nghiệp khó tạo lập nhà ở hơn, giấc mơ có nhà ở ngày càng xa vời.
Còn theo Bộ Xây dựng, năm 2019, giá chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 0,54% so với năm 2018, trong khi đó, tại Tp.HCM tăng 3,52%. Như vậy, tốc độ tăng giá chung cư tại Tp.HCM nhanh hơn Hà Nội 7 lần; còn giá nhà ở riêng lẻ nhanh hơn gần 3 lần.
Theo DKRA Vietnam, vào năm 2015, giá căn hộ hạng C vào khoảng 16 triệu đồng/m2, nhưng nay đã lên 25 triệu đồng/m2. Đất nền còn tăng chóng mặt hơn, giá đất một số khu vực tăng 200-300% so với cách đây 5 năm.
Theo các chuyên gia, cản trở về pháp lý dự án kéo dài đã khiến nguồn cung ngày càng hạn chế. Mà nguyên tắc, càng khan hiếm giá bán càng tăng, người mua ở thực ngày càng khó tiếp cận nhà ở.
Khi không có sản phẩm mới (nguồn hàng sơ cấp) thì thị trường thứ cấp liên tục xác lập mặt bằng giá mới. Theo đại diện CBRE Việt Nam, trước bối cảnh thị trường BĐS sơ cấp (thị trường do chủ đầu tư bán ra) khan hiếm nguồn cung thì thị trường thứ cấp lại diễn ra khá sôi động với mức giá biến động rất cao.
Cụ thể, tại Thủ Thiêm (Q.2) giá thứ cấp tăng từ 36-91% tính từ năm 2017 -2019. Tại Thảo Điền mức tăng giá thứ cấp từ 20-65%. Khu vực An Phú ghi nhận mức tăng 20-40%; Cùng Q.2, khu vực Thạnh Mỹ Lợi có mức tăng giá BĐS trên thị trường thứ cấp cũng khá ấn tượng từ 15-30%. Trong khi tại Q.Bình Thạnh mức tăng đạt từ 10-35% so với giá đầu tư ban đầu.