[ad_1]
Trước đó, phân khúc văn phòng nói chung chưa ghi nhận sự giảm giá do dịch Covid-19, nhưng hiện một số báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra, loại hình văn phòng linh hoạt đã bắt đầu phải thích ứng với việc khách thuê giảm. Vì thế, giảm giá để giữ chân khách là cách mà chủ văn phòng cho thuê lựa chọn.
Theo báo cáo thị trường mới nhất của Colliers Việt Nam, bắt đầu từ đầu tháng 4, nhiều chủ văn phòng cho thuê đã quyết định giảm giá 10-15% để thích ứng với tình hình khó khăn của đại dịch Covid-19.
Trong đó, tỉ lệ trống trong các tòa nhà văn phòng ghi nhận tăng nhẹ trong quý 1/2020, dự báo xu hướng này sẽ còn gia tăng trong quý 2, khiến các chủ đầu tư phải giảm giá cho thuê.
Tương tự, mới đây, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Tư vấn và Nghiên cứu, Savills Hà Nội cho biết, do tác động của Covid-19, quý 1/.2020, công suất thuê của phân khúc văn phòng chia sẻ đã giảm đáng kể do đặc thù thời hạn cho thuê ngắn và hợp đồng linh hoạt.
Ứng phó với dịch bệnh, hiện có những văn phòng chia sẻ đã giảm giá thuê các dịch vụ 20-30% để giữ chân khách hàng. Cá biệt những nơi lên tới 50% cho khách hàng thanh toán lần đầu, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh loại hình này cũng tích cực hoạt động trên môi trường trực tuyến, tuân theo các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch.
Theo bà Hằng, hiện nay, cũng có tình huống là một số nhà phát triển đang tính đến việc cơ cấu lại hệ thống các địa điểm đang mở tùy thuộc hiệu quả hoạt động của từng vị trí.
Nguyên nhân mà hầu hết các đơn vị đưa ra là nền kinh tế chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, dự báo vốn FDI vào thị trường có nguy cơ giảm trong thời gian tới và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về văn phòng, đặc biệt là phân khúc cao cấp. Vì thế các chủ đầu tư có thể sẽ áp dụng một số biện pháp điều chỉnh giá thuê nhằm thu hút khách, nhất là những nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề về tài chính do dịch.
Ghi nhận cho thấy, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, các tòa nhà văn phòng đều có tỷ lệ lấp đầy vẫn giữ ở mức cao. Sau khi đại dịch diễn biến phức tạp, các giao dịch cho thuê ghi nhận sự chậm lại do hai bên đi thuê và cho thuê đều dừng lại quan sát, dự đoán diễn biến tương lai.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tài chính bắt đầu thu hẹp quy mô, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn muốn tiếp tục hoạt động đã có kế hoạch chia tách các phòng ban và họ lựa chọn sử dụng co-working space như giải pháp tốt nhất.
Đại diện Savills cũng khẳng định, trong bối cảnh đại dịch chưa hoàn toàn được dập tắt nhưng Việt Nam đang kiểm soát dịch rất tốt, văn phòng chia sẻ vẫn có cơ hội cải thiện tình hình hoạt động khi hầu hết các doanh nghiệp đều đang gánh chịu sự sụt giảm về doanh thu.
Khác với văn phòng truyền thống khi loại hình này yêu cầu sự đầu tư ban đầu lớn cũng như sự ổn định về tài chính của công ty, văn phòng chia sẻ nổi lên như là giải pháp được nhiều doanh nghiệp đưa ra lúc này, đặc biệt là các công ty vừa và nhỏ hay start up khởi nghiệp.
Với thế mạnh là chi phí thuê thấp và tiền đặt cọc ít cũng như thời gian thuê không quá dài nhưng được đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng và trang thiết bị làm việc, giải trí. Những yếu tố đó sẽ giúp cho văn phòng chia sẻ có thể phục hồi và phát triển trong thời kỳ các doanh nghiệp đang phải trả mặt bằng, thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự cũng như phải tách nhóm nhân viên khi dịch bệnh vẫn chưa hoàn toàn được dập tắt.
Chia sẻ về các biện pháp thích ứng sau đại dịch, bà Hằng cho rằng: Nhóm doanh nghiệp kinh doanh văn phòng chia sẻ cần phải tính đến việc điều chỉnh mô hình kinh doanh hướng tới các đối tượng doanh nghiệp lớn hơn và nhiều lao động hơn. Họ cũng cần chú trọng vào việc phát triển cộng đồng bằng cách sử dụng mạng xã hội và kết nối doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.