[ad_1]
Thậm chí, theo tìm hiểu một vài doanh nghiệp quy mô nhỏ đã tìm cách đóng cửa bằng cách cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Và dĩ nhiên, kéo theo đó là nhân viên sẽ không có tiền thưởng Tết.
Tình hình BĐS rơi vào khó khăn chung do không có nguồn cung bán trên thị trường đã khiến nhiều sàn BĐS trở nên “ảm đạm” vào thời điểm cuối năm. Dọc các tuyến đường tại Tp.HCM ở thời gian này nhận thấy, nhiều sàn BĐS đã đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, ngày mở cửa, ngày không, nhiều sàn cho nhân viên nghỉ Tết sớm.
Ở thời điểm này, khi hỏi các doanh nghiệp về tình hình hoạt động cuối năm đa phần nhận được câu trả lời khó khăn hoặc “than ngắn, thở dài”, chờ cơ hội ở các năm sau.
Thị trường BĐS đang bước vào giai đoạn khó khăn về nguồn cung bán
Nếu như cách đây 2 năm, cận Tết là thời điểm môi giới doanh nghiệp hoạt động hết công suất để bán hàng. Không chỉ sản phẩm đa dạng đến gần Tết mà khách mua cũng tranh thủ dòng tiền tích lũy cuối năm để chọn sản phẩm. Tuy nhiên tình hình năm nay hoàn toàn ngược lại. Bên cạnh các doanh nghiệp đã cho nhân viên nghỉ Tết cả hơn tháng nay thì một số doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào tổng kết, chăm sóc khách hàng, không có sản phẩm để bán ra. Một số thì còn sản phẩm ở dự án cũ nhưng bán không có khách mua.
“Bán chậm lắm em ơi, chờ thị trường qua năm vậy”, đại diện một doanh nghiệp địa ốc tại Tp.HCM than thở.
Theo ghi nhận, nếu trước đây cuối năm là dịp người dân có xu hướng mua nhà đón Tết thì tình hình hiện tại cho thấy, người mua không có nhiều lựa chọn bên cạnh việc giá BĐS ở ngưỡng khá cao khiến họ bị hạn chế về cơ hội. Đó là lý do giao dịch nhìn chung trên thị trường chậm lại rõ nét.
Theo CEO của một doanh nghiệp tại Tp.HCM, nhiều khách hàng cũ vẫn liên lạc để hỏi thăm về sản phẩm mới nhưng ngặt nỗi doanh nghiệp không có hàng để bán. Trong khi anh em môi giới chào khách một số sản phẩm ở dự án cũ thì đa số đều lắc đầu kêu giá mắc.
“Một số doanh nghiệp cố gắng cầm chừng hoạt động qua dịp Tết này, tìm kiếm sản phẩm để anh em môi giới bán trong năm sau nhưng thực sự đang rất khó khăn. Ngoài việc không có sản phẩm mới để phân phối thì tâm lý thị trường cũng ảnh hưởng rõ nét đến việc mua bán của khách hàng”, vị CEO này giãi bày.
Tìm hiểu được biết, bức tranh “ảm đạm” này dường như đang bao trùm lên toàn thị trường BĐS, trong đó, gặp khó khăn nhất vẫn là các công ty quy mô nhỏ, mới thành lập hoặc các sàn giao dịch. Ở mặt khác, các công ty địa ốc lớn, có tiềm lực về tài chính họ vẫn duy trì hoạt động bằng cách huy động các nguồn lực từ các kênh khác nhau. Tuy vậy, không thể phủ nhận bản thân họ cũng gặp không ít khó khăn về nguồn cung mới bán ra thị trường. Trong khi chờ dự án phê duyệt thì những chi phí liên quan đến nhân sự, mặt bằng… họ vẫn tiếp tục phải trả.
“Chúng ta cũng không nên nhìn thị trường theo kiểu, toàn màu xám xịt phủ lên thị trường. Một số CĐT có sản phẩm chất lượng vẫn bán hàng khá tốt. Nên chăng chúng ta cần loại bỏ bức tranh tiêu cực, sợ hãi mà nhìn vào những yếu tố thuận lợi của thị trường”, ông Phạm Lâm,Chủ tịch DKRA Việt Nam nhấn mạnh tại sự kiện mới đây.
Tuy vậy, vị chuyên gia này cũng khẳng định, bức tranh tổng quan của thị trường BĐS Tp.HCM nhìn chung khó khăn hơn các năm trước, mà mấu chốt nằm ở nguồn cung. Cho nên hoạt động của các doanh nghiệp BĐS cũng cầm chừng rõ nét so với trước đó.