[ad_1]

Mùa Đại hội cổ đông 2020, thị trường dậy sóng trước căng thẳng nảy lửa giữa ban lãnh đạo Xây dựng Coteccons (CTD) – những người một tay nuôi lớn doanh nghiệp và nhóm cổ đông lớn Kusto. Sự việc có lẽ không quá mới mẻ, khi chúng ta từng chứng kiến xung đột lợi ích giữa Ba Huân với nhóm VinaCapital năm 2018, hay hệ quả không thể thông qua Nghị quyết Đại hội 2019 của Eximbank dù được tổ chức lại nhiều lần.

Ở tuổi xế chiều, ông Trần Minh Đức – cựu lãnh đạo, cựu sáng lập viên, cựu cổ đông… Thế Kỷ 21 đã viết tâm thư dài, tự sự từ những ngày đầu xây gạch đến chuyện bị thâu tóm của CTCP Thế kỷ 21 – tiền thân là Công ty TNHH Tuổi Trẻ.

Ông Trần Minh Đức là Cựu Chủ tịch HĐQT kiêm cựu Uỷ viên HĐQT Công ty. Sau đó, em ruột ông Trần Công Tuấn lên thay thế vị trí Chủ tịch HĐQT. Được biết, ông Đức chính thức thoái sạch vốn C21 vào tháng 11/2019, ông Tuấn cũng đã từ chức khỏi ban lãnh đạo Công ty vào tháng 1/2020 và bán hết cổ phần nắm giữ.


Nội dung chính của bức tâm thư:

Hội nghị công nhân viên đầu năm 1992, Ban Biên Tập nhận định trang quảng cáo Tuổi Trẻ sẽ tăng trưởng nhanh theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, lợi nhuận đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển tờ báo và đảm bảo đời sống phóng viên, nhân viên. Đã đến lúc mọi hoạt động kinh doanh không thuộc chức năng của Báo phải có pháp nhân riêng. Cơ quan Báo Tuổi Trẻ chỉ quản lý phụ trang quảng cáo và xí nghiệp in Lê Quang Lộc.

Công ty TNHH Tuổi Trẻ ra đời chỉ nhằm mục đích tạo điều kiện để cán bộ, phóng viên, nhân viên góp vốn kinh doanh cải thiện đời sống. Thời điểm đó, TPHCM chưa cấp phép thành lập loại hình công ty này cho cơ quan hành chánh sự nghiệp. Theo yêu cầu của UBND TP, Sở Tài Chánh cử chuyên viên kiểm tra toàn diện tài chánh Tuổi Trẻ từ năm 1979 đến 1992. Kết quả kiểm tra: Sở Tài Chánh xác nhận Báo Tuổi Trẻ không được Nhà nước cấp vốn, cũng không sử dụng vốn Nhà nước cấp cho hoạt động báo chí để làm vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn kinh doanh và vốn phát triển báo là vốn tự có, điều kiện để được cấp phép thành lập Công ty. Một điều bất ngờ: quỹ phúc lợi khen thưởng còn dư (tức cơ quan Tuổi Trẻ còn thiếu CBCNV) gần 4 tỉ đồng. Đó là số vốn CBCNV Tuổi Trẻ góp lần đầu thành lập Cty TNHH Tuổi Trẻ (đến 1997 đổi là Công ty CP Thế Kỷ 21), chiếm 50% tổng vốn điều lệ, 50% còn lại là của cơ quan Tuổi Trẻ.

Trụ sở Công ty là mái nhà chung của CBCNV. Dưới mái nhà đó luôn có sự tương thân, tương kính, tinh thần tự nguyện làm hết việc, không có kỷ luật gắt gao, không ai bị dọa đuổi. Suốt hơn 20 năm chỉ có 2 nhân viên bị đồng sự trong ban, phòng yêu cầu phải làm đơn xin thôi việc. Một người vì có lỗi mà không nhận. Một người vì dối trá, lười biếng, tránh việc.

Công ty đã tiết kiệm tối đa mọi khoản chi phí. Tổng chi phí thường dưới 50% doanh thu. Giờ nhìn lại tôi thấy có lỗi với các em, các cháu tôi ở Thế Kỷ 21, vì sự tiết giảm quá đáng. Năm 2003, khi hỏi để xếp lương cho anh L.V.N tôi nhận ra lương CBNV thấp quá. Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT 7 triệu, các P.TGĐ 6 triệu, tạp vụ bảo vệ 3 triệu(!).

Năm 2010, tôi đã chịu thiệt hơn 3,5 tỷ (gấp 1,5 lần tổng số lương tôi nhận được từ 1997) để phát hành cho được 2 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược trước khi lên sàn. Lần Công ty phát hành 1,5 triệu cổ phiếu với giá 25.000đ/cp, tôi đã buộc công đoàn và các cán bộ chủ chốt mua hết 800 ngàn “cổ phiếu ế”. Tôi kêu gọi anh em ở Tuổi Trẻ, các em cháu tôi ở Thế Kỷ 21: “Nay chịu khó xài cực một chút để mai khỏe”, nhưng vì bất cẩn, thiếu quan tâm, tôi đã bị kẻ lạ lừa quá dễ dàng đến ngớ ngẩn, tước đoạt hết tiền dành dụm mấy mươi năm của các Bạn rồi! Giá cổ phiếu C21 trên sàn giao dịch chỉ bằng 60- 65% giá trị sổ sách, bằng khoảng 25% giá trị thực của Công ty. Công ty Thế Kỷ 21 là con mồi rất dễ săn bắt thôn chiếm. Biết vậy mà không chịu nhớ!

Chiếm đoạt

Đầu năm 2018, Công ty bán ra 3 triệu cổ phiếu quỹ. Nhóm ông Minh Tuấn trả giá cao nhất đã mua được. Sau đó nhóm các nhà đầu tư này mua tiếp thêm cổ phiếu của Quỹ Đầu tư SAM, Quỹ Đầu tư Phần Lan, và toàn bộ số cổ phiếu của tôi đưa số lượng cổ phần nhóm này sở hữu lên hơn 30%. Tôi đồng ý bán hết cổ phiếu để có một số tiền kha khá thực hiện dự án xây dựng đạo tràng Phật giáo mà tôi ấp ủ từ nhiều năm trước, và cũng thấy đã tới lúc buông xả thảnh thơi. Đại Hội Cổ Đông tháng 4/2018 HĐQT đã đề cử ông Minh Tuấn vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023. Tôi đánh giá cao năng lực của Minh Tuấn nên đã phát biểu trước Đại hội rất tốt về ông này! Lúc đó, dù đã rời khỏi HĐQT và cũng không giữ chức vụ gì, nhưng tiếng nói của tôi còn khá nặng ký. Đại Hội đã bầu ông vào HĐQT, đâu ngờ mình đã góp phần lớn việc cõng rắn về cắn chính mình và anh em!

Quý 4/2019, Công ty Trần Minh An bán 700 ngàn và Báo Tuổi Trẻ bán hơn 900 ngàn cổ phiếu. Ông Minh Tuấn từ chối không mua. Công ty H.L.P đồng ý mua hết và có ý muốn mua thêm để đạt 20% tổng số cp lưu hành của Công ty. Dù không có bất kỳ nghi ngờ gì nhóm Minh Tuấn nhưng vì nguyên tắc cần có một nhân tố khác, tôi đã nhận lời sẽ đề xuất với HĐQT đề cử một người của H.L.P ứng cử vào HĐQT. Biết được tin này, ông Minh Tuấn lặng lẽ mua gom cổ phiếu Thế Kỷ 21. Khi sở hữu trên 50%, ông Minh Tuấn dọa H.L.P khiến nhà đầu tư này đang mua được một nửa số cổ phiếu cần mua thì ngưng, không dám mua nữa.

Đầu tháng 1/2020, ông Minh Tuấn gặp Chủ tịch HĐQT – ông Trần Công Tuấn chứng minh ông đã nắm hơn 50% cổ phiếu Thế Kỷ 21, yêu cầu ông Trần Công Tuấn rút, nếu không Đại Hội Cổ Đông sắp tới ông cũng phải ra khỏi HĐQT. Ông Trần Công Tuấn đã có ý định muốn nghỉ ngơi từ trước nên đồng ý, không ngờ đã mở cánh cửa cuối cùng cho kẻ cướp tràn vào nhà.

Miễn nhiệm, cho thôi việc

Ngày 08/01/2020 họp HĐQT, ông Trần Công Tuấn xin rút, không tham dự HĐQT. HĐQT còn 5 người (trong đó 3 người của ông Minh Tuấn), ông Minh Tuấn là Chủ tịch. Ngay trong ngày đó, ông Minh Tuấn đưa ra kế hoạch bố trí lại nhân sự đã soạn sẵn từ trước. Sáng hôm sau, ông Minh Tuấn gặp nhân viên hành chánh, thủ quỹ yêu cầu giao con dấu, các giấy tờ pháp lý của công ty. Ông nói ông là Chủ tịch HĐQT và đưa ra giấy thông báo do ông ký (đúng ra phải do ông Chủ tịch Trần Công Tuấn, chủ trì cuộc họp HĐQT ký) quyết định bãi nhiệm Tổng giám đốc Nguyễn Mạnh Hào, giấy bổ nhiệm ông làm Tổng giám đốc và vợ là bà Đỗ Thị Kim Oanh làm Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính cũng do chính ông ký. Lúc đó trừ 2 cán bộ đã dự họp chiều hôm trước, tất cả CBNV Công ty chưa ai biết việc thay đổi nhân sự này. Cô thủ quỹ nói phải có mặt Trưởng phòng kế toán tài vụ hoặc TGĐ đương nhiệm mới đồng ý bàn giao quỹ cho người khác. Cô thủ quỹ, bà Kim Oanh lớn tiếng tranh cãi nhau. Ông Minh Tuấn can vợ: không cần cãi vã, mình có tiền là có quyền việc gì cũng có thể giải quyết được hết. Ông răn đe cô thủ quỹ sẽ cho nghỉ việc vào ngày mai. Sáng hôm sau cô thủ quỹ nộp đơn xin thôi việc, bàn giao quỹ và tất cả sổ sách tài liệu xong, nghỉ luôn.

Việc to tiếng với nhân viên trong công ty lại tiếp tục lặp lại khi bà Kim Oanh buộc cô kế toán thanh toán bàn giao ID, password tất cả các tài khoản ngân hàng. Cô nhân viên này nói với bà Oanh chờ hôm sau Trưởng phòng Tài vụ vào sẽ trực tiếp bàn giao cho bà. Bà Oanh bắt đầu lớn tiếng rằng việc bàn giao chậm trễ là do các nhân viên có ý định biển thủ tiền và dằn mặt rằng nếu có chuyện đó xảy ra, bà sẽ truy ra từng người. Vì chứng kiến liên tục nhiều ngày liền những cảnh tượng to tiếng xảy ra khiến không khí làm việc trong công ty vô cùng căng thẳng và nhận thấy văn hóa công ty đã thay đổi, các nhân viên phòng kế toán lần lượt xin nghỉ việc.

Đúng bài bản của kẻ thôn tính chiếm đoạt: đầu tiên, thay hết những CBNV liên quan tiền bạc bằng người của mình.

Tiếp tục xua đuổi, Bà Kim Oanh nói với Trưởng Ban Kiểm Soát Kim Dung: Chúng tôi đã mua cổ phiếu của nhân viên Tuổi Trẻ rồi sao chị không làm đơn từ nhiệm đi. ĐHCĐ sắp tới, bị bãi miễn có gì hay? Cả đội bảo vệ cao ốc văn phòng Tuổi Trẻ gần chục người bị sa thải không báo trước ngày nào, phải rời cơ quan ngay, không được trợ cấp mất việc theo quy định. Lý do: lúc đầu là tái cơ cấu, sau là vì dịch covid 19. Nói dối! Từ đầu dịch đến lúc đó tất cả nhân viên đều phải vào cơ quan. Ai nghỉ bị trừ lương. Công việc thi công xây dựng ngoài trời, nắng, nhiệt độ cao Nhà nước có cấm đâu, trái lại yêu cầu đẩy nhanh tiến độ bảo đảm giải ngân đúng kế hoạch. Công ty hiện không có hàng để bán. Nếu không khởi công thực hiện một dự án nào, hai năm tới cũng sẽ không có sản phẩm nhà đất nào để bán. Tiền mặt hiện có 3-4 trăm tỉ. Vậy công ty Thế Kỷ 21 đang và sắp tới gặp khó khăn gì? Trong suốt những năm 2008 – 2015 khủng hoảng bất động sản kéo theo khủng hoảng tài chánh ngân hàng, Công ty Thế Kỷ 21 không sa thải một nhân viên nào. Trái lại, mỗi năm đều xét tăng lương cho CBNV, đều chia cổ tức cho cổ đông. Các em kéo nhau đi khiếu nại khắp nơi suốt gần tháng qua vẫn không được trả đồng nào. Sao có người đã quá giàu lại chiếm giữ nhúm tiền của người lao đông nghèo như vậy !

Tôi hỏi Minh Tuấn: “tại sao lại đối xử thô bạo vậy?”

Minh Tuấn: “mỗi người có cách làm nhân sự riêng. Giơ chân cao đá để xem phản ứng thế nào”.

Tôi hỏi: “để làm gì, lọc bỏ kẻ không ngoan phải không?”.

Vợ chồng Minh Tuấn không chỉ đá mà đã đá văng khỏi Thế Kỷ 21 80% những người đã gắn bó với công ty trên dưới 20 năm. Vậy là đã gần đạt kế hoạch thay máu cũ bất ổn bằng máu mới nhẫn nhục phục vụ vô điều kiện quyền lợi phe ta.

Đầu tư lớn vào Thế Kỷ 21 để làm gì?

Tôi hỏi Minh Tuấn: “Ông vào Thế Kỷ 21 để đầu tư kinh doanh bất động sản và tự nhận chưa có kinh nghiệm phát triển dự án nhà ở. Tôi giới thiệu bổ sung vào HĐQT một nhà đầu tư có gần 20 năm phát triển các dự án nhà ở sao ông quyết liệt chống đối, muốn một mình một cõi?”

Minh Tuấn nói: “Tôi không có ý định đầu tư các dự án phát triển nhà”

Tôi hỏi: “Chức năng chính của Thế Kỷ 21 là đầu tư kinh doanh phát triển nhà, ông không làm, vậy ông định vào Thế Kỷ 21 làm gì?”. Không có câu trả lời.

Minh Tuấn họp HĐQT bàn, quyết định chuyển mấy trăm tỉ vào một công ty liên doanh (sẽ hợp tác với Công ty khác thành lập) để mua các khách sạn hoặc cao ốc văn phòng. Nguyễn Mạnh Hào, TGĐ vừa bị bãi nhiệm hỏi mua cái gì, gút chưa, bài toán kinh tế thế nào? Nhưng HĐQT vẫn quyết. Nghe vậy tôi hỏi: chưa gút mua gì, chưa có các công ty liên doanh, vậy chuyển tiền đi đâu?.

Ông Tuấn đã nói nhiều quá mức cần thiết rằng ông sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng hơn nữa. Bây giờ lại nói trái, làm ngược!

Đóng thuế như vầy làm sao giàu được

Sau khi xem qua các báo cáo tổng kết tài chánh nhiều năm về trước. Ông Minh Tuấn phán: Công ty này lạ thật, doanh thu không lớn lắm mà, mỗi năm đóng mấy chục tỷ tiền thuế, làm ăn thế này thì sao giàu được!

Việc dấu bớt doanh thu, chi phí kê khống lên, lãi thấp xuống, thậm chí biến lời thành lỗ, không nộp thuế hoặc áp dụng phương thức “hạch toán ngược” nộp rất ít xảy ra hà rầm ở nhiều Công ty TNHH và Công ty cổ phần do một hoặc vài cổ đông lớn nắm quyền quyết định tất cả. Dân làm ăn ai cũng biết chuyện thường ngày đó mà, chỉ là chúng tôi không làm thôi ông Minh Tuấn à! Tôi cũng biết đó là cách rất hiệu quả để biến cổ phiếu thành giấy lộn, cổ đông mất hết. Tất cả tài sản của Công ty thành sở hữu của người quản lý/cổ đông chi phối.

“Tôi đã trả đủ tiền. Tất cả là của tôi”

Minh Tuấn nói: “Tôi bỏ ra mấy trăm tỷ mà mua được tài sản 2.000 tỷ, tôi sẽ cố gắng thúc đẩy Công ty Thế Kỷ 21 tăng trưởng nhanh như anh Ba mong muốn, chớ sao tôi làm cho cổ phiếu Thế Kỷ 21 mất giá đến trở thành giấy lộn được. Tôi hứa sẽ mua cổ phiếu của tất cả anh em 40.000 đồng/cp”.

Ngay ngày hôm sau, có lẽ hối tiếc vì đã lỡ lời, anh ta nói lại nếu có mua thì chỉ giá 29.000 đồng/cp.

+ Minh Tuấn nói: “Tôi mua cổ phiếu anh chị Tuổi Trẻ không vì sợ báo chí mà vì tôi vốn có lòng nhân đạo và để giúp anh Ba khỏi mất uy tín với Tuổi Trẻ như anh đã nói”. Dù hơi bực, tôi vẫn nói cảm ơn.

+ Minh Tuấn nói với anh Hào (TGĐ vừa bị bãi nhiệm): Anh là con tin của tôi. Nếu ông Ba Lãng còn làm khó gây rắc rối thì tôi sẽ không mua một cổ phần nào của ông. Ngoài tôi chẳng có ai mua cổ phần của ông đâu. Ông sẽ mất hết. Nói ông Ba Lãng im đi, có tiền rồi, lo dưỡng già đi. Hơn tháng qua Hào không bán được một cổ phiếu nào cộng với việc nhân viên bị sa thải, chịu áp lực, căng thẳng, Hào bị nhồi máu cơ tim, may cấp cứu kịp thời.

+ Mười mấy năm qua, CBNV Công ty dành dụm tiền mua được hơn 500.000 cp, ông Tuấn xem số cổ phiếu đó là của cơ quan, tức là của nhóm ông ta. Thực ra Công ty chỉ sở hữu cổ phiếu quỹ thôi, làm gì có loại cổ phiếu nào khác. Hơn nữa số cổ phiếu này đã được lưu ký tại Trung tâm Lưu Ký Chứng Khoán với tên: Công Đoàn Cơ Sở Công ty CP Thế Kỷ 21.

+ Hằng năm, Ban Tổng giám đốc đều trích 5% tổng tiền lời sau thuế làm quỹ phúc lợi khen thưởng cho CBNV theo Nghị quyết của Đại Hội Đồng Cổ Đông phù hợp với Điều lệ Công ty. Mấy năm qua anh em Công đoàn đồng tình với Ban Tổng giám đốc chi thưởng ít một chút, dành dụm tồn được hơn 8 tỷ đồng, định sẽ thưởng lớn nhân Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Công ty. Mỗi nhân viên có một số tiền kha khá để nâng cấp nhà cửa bảo đảm điều kiện ăn ở tối thiểu. Những khoản chi khác của Công Đoàn đã có cổ tức mỗi năm (750 triệu đến 1,1 tỷ). Số tiền thuộc quỷ phúc lợi khen thưởng này ghi trong báo cáo tài chính là nợ phải trả ngắn hạn, đương nhiên chủ nợ là người lao động trong Công ty. Rõ ràng vậy nhưng ông Tuấn lúc đầu cho rằng tiền đó là của Công ty (mà anh ta đã mua và đã trả hết), tức là của nhóm ông Tuấn. Sau lại nói số tiền đó đã trích chuyển quỷ PLKT nhưng ông quyết chưa chi. Vậy khi nào ông chi, chi cho ai? Ông đã đuổi gân hết CBNV đã lao động tạo ra lợi nhuận cho Công ty và đồng ý dành dụm 4-5 năm qua để có số tiền khá lớn đó.

+ Ông Tuấn nói với Mạnh Hào: tôi mua một khách sạn đã trả hết tiền. Sau đó, người bán nay báo tôi phải trả thêm tiền giường, mai bảo phải trả thêm tiền máy lạnh, có hợp lý không. Vợ chồng nói với nhân viên cũ: Khi mua cổ phiếu của ông Ba Lãng, ông ấy đồng ý bán hết công ty cho tôi, bây giờ lại làm khó. Gần đây, bà Kim Oanh nói ( các nhân viên bị sa thải): ông Ba Lãng có mấy trăm tỉ đi gặp ổng mà đòi!

Trời ạ! chú Minh Tuấn ơi chú chú bịa chuyện để làm gì? Bôi đen tôi à? Ông đưa tôi mấy bao bố tiền? Tôi chưa lần nào đếm nổi một xấp 50 triệu toàn giấy 500 ngàn. Tôi luôn nhờ Cô thủ quỹ giúp đếm và chia ra xấp 5 triệu. Hay ông chuyển khoản? Ông chịu khó gom cho tôi xem vài ba giấy chứng nhận chừng 50 tỉ cũng được, không cần tới mấy trăm tỉ. Hay ông cố ý chọc tức để tôi theo Hào vào bệnh viện? Tôi là Ba Lãng (“Sum sum Ba Lãng kiêm thiên dũng” Thu Vịnh của Đỗ Phủ). Tôi chỉ là một gợn sóng nhỏ nhoi giữa đất trời trộn lẫn nhau, mịt mù không ranh giới. Tôi không quan tâm xem lọ nước sơn ông cầm đen hay trắng. Tôi chỉ cần gởi đến ông mấy dòng trên thôi.

xxx

Hơn 40 năm “làm kinh tế”: “20 năm kinh tế báo chí”; hơn 20 năm “kinh tế cải thiện đời sống”. Ngày nào cũng chuyện cơm áo gạo tiền, lời lỗ đến lúc ngao ngán mệt mỏi rồi. Đã có lần tôi nói chơi: hay là tụi mình bán hết, chia cho cổ đông mổi cổ phiếu khoảng 80 ngàn. Lũ già nghỉ khỏe. Chỉ chừa lại cao ốc Yoco, giao cho mấy cô cậu trẻ, ai làm cũng được miển là trung thực. Đây là cách dở nhà nhanh nhất! Không ông nào hưởng ứng. Bây giờ nghĩ lại: làm vậy lại hay! Bốn năm trước, tôi đã giã từ mọi chức vụ, vị trí công tác. Quỹ thời gian không còn bao nhiêu, tôi cần bắt đầu ngay những việc yêu thích từ lâu. Lớp em cháu đã sống, làm việc 15 đến 25 năm dưới mái nhà chung sẽ tiếp tục gìn giữ tài sản chung của Các Bạn. Có người có thể đi tiếp với Công ty 5-3 năm như Công Tuấn, 10 năm như Mạnh Hào, 15-20 năm như Tiên Đạt, Minh Tần, Anh Thư,… Họ tuy có nhược điểm là thiếu tham vọng, không thích mạo hiểm nhưng có đủ các phẩm chất tinh thần để truyền nối các giá trị tạo thành bản chất của Thế Kỷ 21. Những khuôn mặt mới trẻ trung, tài năng, nhiệt huyết và tham vọng, dám phiêu lưu sẽ được bổ sung vào đội ngũ cán bộ quản lý để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Nhưng không ngờ lớp em cháu này của tôi giống như tôi, cũng ngu ngơ thiếu cảnh giác, quá dễ bị lừa, làm mất hết những gì mà các Bạn gởi cất giữ lại Công ty CP Thế Kỷ 21. Tôi xin lỗi!

Ký tên

Trần Minh Đức (Ba Lãng)”

Trên thị trường, khoảng 1 năm gần đây cổ phiếu C21 giao dịch khá biến động, hiện giao dịch tại mức 20.000 đồng/cp. Mới đây, Chứng khoán Bảo Việt vừa bán ra hơn 2,3 triệu cổ phiếu C21 và không còn là cổ đông lớn, thực hiện vào ngày 4/6/2020.

Theo kế hoạch, C21 sẽ tổ chức ĐHĐCĐ vào ngày 16/6.

 Thêm một vụ thâu tóm ly kỳ liên quan đến công ty địa ốc từng thuộc sở hữu của Báo Tuổi trẻ nhìn từ tâm tư của người sáng lập  - Ảnh 1.



PV

[ad_2]

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP CHỦ ĐẦU TƯ

HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0819.096.096

Hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến các dự án của chúng tôi đầu tư, cũng như là dự án mà chúng tôi phát triển và phân phối!

 





    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *