[ad_1]
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP HCM (HoREA), cho rằng quá trình rà soát, thanh tra các dự án càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì chi phí vốn, lãi vay ngân hàng tăng và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng bị sụt giảm, không có lợi cho cả cho người mua nhà và thị trường bất động sản.
Đó là lý do Hiệp hội đề xuất TP HCM công khai danh sách 124 dự án trong diện bị tạm ngừng được tiếp tục triển khai. Kết quả, TP HCM đã chấp thuận việc công khai danh sách này trong chương trình làm việc quý II của HoREA.
Trong lúc đó, một số công ty xây dựng, có hoạt động xây dựng cũng cho biết đã “nếm trải” ảnh hưởng.
Ảnh minh họa
4 tháng không ký thầu được dự án mới
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE) thừa nhận mảng Cơ điện lạnh (M&E) năm 2019 của công ty có nhiều thách thức vì lĩnh vực BĐS có nhiều ngưng trệ trong việc cấp phép dự án mới.
Theo bà Thanh, REE có 2 công trình đã ký hợp đồng M&E giá trị hơn 1.000 tỷ đônngf với chủ đầu tư nhưng dự án mới chỉ được cấp phép cho phần hầm và đế thì tạm dừng. Đối tác của REE cũng còn 2 công trình khác chờ ngày cấp giấy phép. Do vậy, mảng M&E của REE sẽ bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan này. Mọi thứ có thể phải chờ thêm vài tháng rồi mới tính toán được phương án khác.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Thành viên HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), chỉ ra các yếu tố thị trường BĐS có nhiều khó khăn, ngân hàng giảm vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn 40% thay vì 45% dẫn đến vốn ngắn hạn cho BĐS giảm đáng kể. Ngoài ra, chủ trương rà soát mục đích sử dụng đất của Chính phủ dẫn đến tình hình triển khai dự án rất chậm. Không chỉ ở TP HCM, Hà Nội có 2.532 dự án đang bị rà soát, Đà Nẵng chung tình hình.
Tại TP HCM, ông Hiệp thừa nhận 4 tháng đầu năm Coteccons chưa ký thầu được dự án nào. “Thị trường BĐS trầm lắng căng thẳng đánh trực tiếp vào đơn vị thi công”, ông nói.
Chung quan điểm, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc Coteccons, nói năm 2019, công ty có hơn 40 công trình thực hiện, nhưng khoảng 40% rơi vào tình trạng tạm ngưng. Do đó, Coteccons sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các dự án mới bên cạnh những hợp đồng có giá trị chuyển tiếp hơn 25.000 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm cũ.
Về phía CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), Chủ tịch HĐQT Lê Viết Hải thừa nhận năm nay đưa ra kế hoạch kinh doanh rất thận trọng. Cụ thể, doanh thu mục tiêu chỉ tăng 1,6 % và lợi nhuận chỉ tăng 16% trong khi hợp đồng chuyển từ năm 2018 sang tăng 26% so với năm trước.
Ông Trương Quang Nhật, Phó Chủ tịch HĐQT Hoà Bình, nêu cụ thể hơn, để đạt được kế hoạch năm nay, công ty phải đạt được 18.260 tỷ doanh thu nhưng đã có 13.500 tỷ đồng chuyển tiếp từ năm trước, còn thiếu 4.800 tỷ đồng. Đáp ứng con số này cần khoảng 24.000 tỷ đồng giá trị trúng thầu trong năm nay. Tính từ đầu năm, Hòa Bình đã trúng 5.800 tỷ đồng, hoàn thành 24% kế hoạch năm.
Đi tìm giải pháp
Ông Nguyễn Sỹ Công cho biết Coteccons sẽ cố gắng tìm kiếm dự án mới, chuyển sang thi công nhà xưởng công nghiệp. Doanh nghiệp này đã xây dựng nhiều dự án nhà xưởng lớn trong thời gian qua như nhà máy VinFast Hải Phòng, nhà máy thép Hòa Phát – Dung Quất…
Điều này cũng có thể thấy trong năm 2018, cơ cấu doanh thu Coteccons có sự chuyển dịch: gia tăng dự án nhà xưởng (tăng 20%) và giảm tỷ trọng nhà ở – chung cư (giảm 24%). Công ty cho biết đã nhìn thấy những biến động ở nhóm dự án nhà ở và nhìn thấy tiềm năng từ xu hướng đầu tư công nghiệp ở Việt Nam.
Nguồn: BCTN Coteccons
Về phần Hòa Bình, ông Phan Ngọc Thạnh, Giám đốc tài chính, nói trong 720 tỷ đồng lợi nhuận đề ra, công ty có gần 100 tỷ đồng đến từ các dự án BĐS tự thực hiện, 605 tỷ đồng từ ngành xây dựng còn lại từ các công ty con. Ban điều hành đã tính toán các yếu tố bất lợi trong năm 2019.
Khác với Coteccons, Hòa Bình đặt điểm nhấn doanh thu trong phân khúc Trung tâm thương mại, khách sạn, resort, khu phức hợp. Dự kiến trong năm nay, nhóm này chiếm 62% tổng doanh thu công ty, tiếp đến là dự án nhà ở 28% (giảm 7% so với năm trước).
Nguồn: BCTN Hòa Bình
NDH