[ad_1]
Nhận thấy thị trường ngách tại các khu vực ven thủ đô rất hấp dẫn, ngay từ đầu năm 2018, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã “xắn tay” nghiên cứu thị trường vùng Đông Bắc và triển khai nhiều dự án tại Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên,…
Tại các tỉnh lẻ quỹ đất còn lớn lại có nền công nghiệp phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ cùng hạ tầng giao thông đang được đầu tư hoàn thiện, thúc đẩy thị trường bất động sản tại đây phát triển sôi động, cũng như tạo ra các cơn “sốt đất”.
Chỉ tính riêng thị trường Bắc Ninh đã có sự quy tụ của nhiều đại gia bất động sản lớn như Vingroup, Him Lam, FLC. Năm 2018, Bắc Ninh có 27 dự án phát triển đô thị với hơn 10.000 sản phẩm, mức độ hấp thụ đạt bình quân 70% mỗi lần mở bán. Thị trường căn hộ cho thuê cũng phát triển mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy 80%. Bắc Ninh được xem là “thỏi nam châm của Bắc Bộ” khi sở hữu lợi thế một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI.
Nhiều đại gia BĐS đổ bộ về tỉnh lẻ
Một trong những điểm “sốt đất” trong thời gian qua phải kể đến Bắc Giang. Nằm cách thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 50km về phía Bắc và nằm trong hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, Bắc Giang được đánh giá là một trong những vùng đất màu mỡ cho các nhà đầu tư rót vốn.
Báo cáo quý I/2019 của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra tại TP. Bắc Giang, điểm nhấn rất đáng chú ý đó là các giao dịch liên quan tới đấu giá, chuyển quyền sử dụng đất trên địa bàn tăng mạnh làm cho thị trường bất động sản nơi này sôi động hơn hẳn.
Trong đó, một dự án căn hộ cao cấp với nguồn cung vào khoảng 187 căn được cung cấp ra thị trường cũng là một điểm nhấn của thị trường bất động sản thành phố này. Tính đến nay, TP. Bắc Giang có khoảng 6 dự án đang triển khai, dự kiến cung cấp khoảng 3.000 căn hộ, giá 11-25 triệu đồng/m2.
Thị trường bất động sản Thái Nguyên cũng có sức hút với nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Tập đoàn Tiến Bộ, Kosy, TNG, Thiên Lộc,… Trong đó, phân khúc đất nền nhận được nhiều sự quan tâm hơn cả. Theo nhận định của các chuyên gia, nhờ sự phát triển của các khu công nghiệp, nên Thái Nguyên thu hút nhiều lao động nhập cư về làm việc và định cư, tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở.
Không chỉ các chủ đầu tư, nhiều sàn BĐS cũng nhanh chân chiếm lĩnh thị trường khu vực này. Đơn cử, Hải Phát Land giới thiệu một loạt các dự án lớn như khu đô thị Dĩnh Trì (Bắc Giang), DTA Garden House (Bắc Ninh), River Silk City (Hà Nam), Crown Villas (Thái Nguyên),…
Đại gia Hà Nội ôm đất tỉnh
Theo tiết lộ của ông Vũ Kim Giang, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư và kinh doanh bất động sản Hải Phát (Hải Phát Land), nhóm khách hàng đang chiếm lĩnh thị trường ở đây chủ yếu là khách ở các địa phương có tích lũy lớn trong nhiều năm hoặc là nơi phát triển mạnh về công nghiệp. Ngày trước khách hàng địa phương mua để ở nhưng hiện nay thói quen tiêu dùng đã thay đổi, họ đã mua để đầu tư, tích trữ tài sản.
Đối tượng thứ 2 là khách tại thành phố lớn, ví dụ khách Hà Nội. Sở dĩ khách Hà Nội tìm về các tỉnh/thành vì nguồn cung tại Thủ đô đang ít và giá cao. Nhưng các đối tượng khách này vẫn có thiên hướng đầu tư lướt sóng chứ không tích trữ tài sản.
Nhiều dự án thu hút khách hàng đầu tư |
Ông Giang nhận định, về cơ bản, khách hàng đã rất thông minh trong lựa chọn, họ đánh giá kỹ lưỡng hơn. Họ cũng sợ thị trường sốt ảo. Do đó, các nhà đầu tư đều thận trọng. Họ cũng xác định giữ đất trong trung – dài hạn và vì thế làm thị trường có tính bền vững hơn. |
Lý giải về sự chuyển hướng sang tỉnh lẻ sau nhiều năm tập trung đầu tư tại Hà Nội, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, với việc tại các TP lớn như: Hà Nội, TP.HCM,… quỹ đất không còn nhiều, trong khi giá đất tại các TP lớn cao hơn gấp nhiều lần khu vực lân cận nên các chủ đầu tư BĐS đã quyết định tìm cơ hội tại vùng đất mới, nhiều tiềm năng và cũng không ít lợi thế phát triển.
“Một số thị trường lớn như: Hà Nội, TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019 chứng kiến sự giảm sụt về nguồn cung mới do chính quyền địa phương thực hiện công tác rà soát và dừng cấp thủ tục pháp lý. Do vậy, các nhà đầu tư đã chọn những địa phương mới, nơi có chính sách thông thoáng hơn, giá cả phù hợp với mức tài chính của người tiêu dùng. Tại miền Bắc thì khu vực Đông Bắc nổi lên là vùng đất mới cho xu thế này” – ông Đính nói.
Cũng theo nhận định của các chuyên gia, khu vực Đông Bắc có nhiều lợi thế về công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, nguồn vốn FDI “đổ” về khu vực này ngày càng nhiều, là nhân tố thúc đẩy thị trường BĐS tại đây phát triển sôi động trong thời gian tới.
Vietnamnet