[ad_1]
Tại hội thảo “Kinh tế – tài chính đất đai” tại Đại học Kinh tế quốc dân (Hà Nội) sáng 10/12/2019 Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có bài Tham luận “Đề xuất hoàn thiện chính sách kinh tế – tài chính về đất đai trong điều kiện nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”.
Trong bài tham luận, HoREA cho biết nguồn thu từ đất chiếm khoảng trên dưới 8% ngân sách địa phương, là nguồn thu rất quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Nguồn thu này có xu thế tăng dần qua các năm cùng với tiến trình gia tăng tốc độ đô thị hóa.
HoREA cũng đã đề cập đến tính hai mặt, đặc biệt “mặt trái” của kinh tế thị trường của đất đai. Cụ thể, trong hơn 30 năm qua, nền kinh tế nước ta đã phát triển vượt bậc, mang lại nhiều lợi ích cho các tầng lớp nhân dân. Tầng lớp trung lưu cũng gia tăng nhanh chóng, cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nhân tài giỏi và có trách nhiệm xã hội.
“Tuy nhiên, cũng có một “sự thật đáng buồn” là không ít người trở thành “đại gia”, hoặc không ít doanh nghiệp phát triển “thần kỳ”, là nhờ vào việc chiếm hưởng không chính đáng chênh lệch giá đất, mà một trong những nguyên nhân hàng đầu là do hệ thống pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan chưa hoàn thiện, còn một số kẽ hở và lỗ hổng”, HoREA nhấn mạnh.
Cũng theo HoREA, rất cần thiết phải tăng cường vai trò quản lý nhà nước, trước hết phải hoàn thiện pháp luật đất đai và các pháp luật có liên quan. Kinh nghiệm của các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đều coi trọng vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước đối với nền kinh tế, thông qua việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.
HoREA cũng khẳng định đất đai có tính hữu hạn về mặt tự nhiên. Do vậy, cần được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững. Tài nguyên đất đai bao gồm không gian trên mặt đất, trên mặt nước, trên mặt biển; không gian tầng cao; không gian ngầm đô thị; nguồn thông tin từ hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai.
Cụ thể, chuyển đất có giá trị thấp thành đất có giá trị cao, thông qua các hoạt động: Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đô thị, dân cư, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch làm tăng giá trị của đất đai (Quy hoạch tạo ra nguồn lực kinh tế); Chuyển mục đích sử dụng đất để khai thác, sử dụng đất tối ưu, như tại thành phố Hồ Chí Minh. Phát triển hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông làm tăng giá trị sử dụng của đất đai.
Hoạt động đầu tư công, nhất là các dự án đầu tư phát triển của khu vực tư nhân làm tăng giá trị đất đai, trong đó suất đầu tư có ý nghĩa quyết định. Nhanh chóng đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch (Ghi chú: Đất vàng mà bỏ không hoặc không đưa vào sử dụng thì cũng là vô giá trị).