[ad_1]
Ghi nhận ở các thị trường cho thấy, các NĐT đã bắt đầu tìm kiếm các dự án đất nền đã có sổ hoặc các nền đất riêng lẻ trong dân. Trong khi đất dự án chưa có sổ có phần chững hơn.
Tại Tp.HCM, hiện một số dự án đất nền có giá từ 4-6 tỉ đồng/nền đang được chào bán ra thị trường ngay sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát. Dù chưa thể hiện rõ giao dịch nhưng sự quan tâm của người mua bắt đầu bắt nhịp với hoạt động của CĐT dự án. Ghi nhận tại một dự án đất nền tại Q.Tân Bình, Q.Thủ Đức vào thời điểm cuối tuần lượng khách đi xem dự án đã khá đông. Trong đó có những giao dịch được chốt trong ngày.
Hầu hết các doanh nghiệp triển khai dự án ở thời điểm này là đã sở hữu quỹ đất trước đó khá lâu. Với việc khan hiếm dòng sản phẩm mới ra thị trường nên các nền đất đã ra được sổ ở khu vực TP giá đã ở ngưỡng khá cao. Tuy nhiên, bên cạnh người mua ở thực thì có lượng khách mua đầu tư chờ giá lên, bán lại cho người có nhu cầu ở thực.
Trong khi tại thị trường tỉnh lân cận Tp.HCM, hoạt động mua bán đất nền cũng ghi nhận rục rịch trở lại. Các khu vực như Nhơn Trạch, Long Thành, Phú Mỹ… có giao dịch lẻ tẻ ở thời điểm này. Trong đó, cả NĐT và người mua thực đều ưu tiên đất có sổ.
Một số loại hình khác như đất nông nghiệp giá từ 600-700 triệu đồng/công cũng phát sinh giao dịch ở giai đoạn này. Tuy nhiên, theo các môi giới, dường như NĐT chưa mạnh dạn “xuống tiền” như thời điểm chưa dịch. Đa số vẫn ở trạng thái nghe ngóng, chờ đợi tín hiệu tốt lên của thị trường. Vì thế, có thể phải mất khoảng thời gian nữa thì hoạt động mua bán mới trở lại như bình thường.
Chưa kể, bản thân các nền đất pháp lý rõ ràng, đã ra sổ thì NĐT cũng trong tâm lý là giữ hàng chứ không bán ra ở giai đoạn này. Vì thế, cũng khá khan hiếm sản phẩm dạng này trên thị trường thứ cấp. Trong khi hàng của CĐT bán ra cũng chỉ mới nhỏ giọt ở giai đoạn này.
Khách quan mà nói, so với các phân khúc khác trên thị trường thì đất nền vẫn được giới đầu tư địa ốc ưa chuộng. Đây cũng là phân khúc có nhịp độ “bắt sóng” lại thị trường nhanh hơn sau thời điểm thị trường bị biến động. Bởi sức mua để đầu tư, nhất là ở loại hình giá vừa phải trên dưới 2 tỉ đồng/nền vẫn luôn hiện hữu trên thị trường. Có chăng, NĐT có tiền vẫn còn trong tâm thế là chờ đợi giá hợp lý hơn hoặc chờ những sản phẩm độ chắc ăn về pháp lý cũng như vị trí tốt mới “xuống tiền”.
Theo ghi nhận, dòng tiền của NĐT hiện nay khi bỏ tiền vào đất cũng khá là đa dạng, linh hoạt. Thay vì mua đất ở một, hai khu vực thì họ phân bổ dòng tiền ở nhiều khu vực khác nhau để tính toán đến độ an toàn của dòng tiền. Trong đó, tâm lý của NĐT lâu năm là vẫn muốn sở hữu đất nền khu vực Tp.HCM, dù giá cao nhưng khả năng ra hàng cho đối tượng người mua ở thực dễ dàng hơn. Vì thế, có những nền đất ghi nhận ở thời điểm này lên đến 5-6 tỉ đồng/nền/ diện tích khoảng 80-100m2, NĐT dày vốn vẫn mua vào và chờ cơ hội trong tương lai.
Theo dự báo thị trường quý 2 năm 2020 của DKRA Vietnam, đất nền vẫn là phân khúc được NĐT ưa chuộng trong thời gian sắp tới. Phân khúc này dự báo vẫn sẽ tiếp tục khan hiếm và không có nhiều dự án mới mở bán. Trước tác động của dịch Covid-19 lên các hoạt động kinh tế và đời sống, sức cầu chung của thị trường nhìn chung suy giảm do áp lực tài chính và tâm lý thận trọng của các NĐT. Tuy nhiên, xét về dài hạn tâm lý sở hữu đất nền vẫn còn khá lớn trên thị trường. Và chính sự khan hiếm cũng đẩy mức giá bán của loại hình này trên thị trường sơ cấp tăng lên.
Giá thứ cấp của thị trường đất nền cũng không giảm đi vì nhu cầu còn lớn, trong khi NĐT cũng không vội vàng bán sản phẩm trong vài ba tháng dịch bệnh. Khảo sát cho thấy, các nền đất bán ra dưới giá kì vọng lợi nhuận diễn ra khá ít trên thị trường, không đại diện cho một xu hướng rõ nét. Hầu hết những nền đất đã có sổ NĐT vẫn ôm hàng, giữ hàng, chỉ một số ít cần tiền gấp mới bán ra.
Với tình trạng khan cung cùng với các thông tin hạ tầng giao thông xuất hiện sau thời điểm dịch bệnh, có một số dự báo có thể xảy ra tình trạng sốt đất nền cục bộ tại khu vực Tp.HCM. Tuy nhiên, trong chỉ đạo mới đây của UBND TP sẽ không để xảy ra tình trạng sốt BĐS sau thời điểm dịch bệnh.
Theo các chuyên gia, việc sốt BĐS cũng khó diễn ra bởi sau dịch dòng tiền của NĐT cũng theo xu hướng ổn định, an toàn chứ khó đột biến, ồ ạt. Việc bán được sản phẩm còn phụ thuộc vào chiến lược NĐT, vị trí của dự án.