[ad_1]
Theo tìm hiểu, các mặt bằng nhà phố, ở những nơi buôn bán nhộn nhịp, chủ nhà luôn có “cớ” để tăng giá theo năm, thậm chí theo quý. Có những mặt bằng tăng giá 30-40% trong vòng 1 năm khiến người kinh doanh “ngao ngán” bởi lời lãi không “chạy kịp” theo tiền mặt bằng.
Anh Vũ (Quê Thái Bình) thuê một mặt bằng để kinh doanh nhà hàng hải sản tại Q.9, Tp.HCM từ tháng 1/2019 với giá 45 triệu đồng/tháng (hợp đồng 1 năm). Đến cuối năm 2019, chủ nhà tăng giá lên 60 triệu đồng/tháng. Anh Vũ cho biết, với giá cũ anh đã cố gắng để kinh doanh nhưng khi chủ đưa giá mới, tính toán thì tiền mặt bằng đã “ngốn” gần như lời lãi nên anh quyết định dừng việc kinh doanh của mình lại. Dù khách hàng ăn tại quán vẫn khá đông nhưng tính ra chi phí cho mặt bằng đã gần hết lời lãi kinh doanh. Chủ quán này dự tính sẽ tìm mặt bằng trong hẻm với giá mềm hơn để có thể tiếp tục việc kinh doanh.
Có những mặt bằng tăng giá thuê từ 30-40% trong vòng 1 năm. Ảnh: Hạ Vy
Tương tự, thuê một mặt bằng rộng 200m2 tại Q.2 với giá 80 triệu đồng/tháng để kinh doanh, anh Nguyễn Văn Th. cho biết, dù đã hợp đồng với chủ nhà trong vòng 2 năm nhưng được khoảng hơn một năm rưỡi chủ nhà “lật kèo” tính giá mới, tăng thêm 8 triệu đồng/tháng. Đôi bên qua lại một thời gian, anh Th đành chấp nhận trả mặt bằng và tìm thuê ở chỗ khác mặc dù công việc kinh doanh đang trên đà thuận lợi.
“Nhiêu khê” hơn, chị Hoa thuê mặt bằng nhà phố tại Q.9 để mở shop quần áo với giá 25 triệu đồng/tháng nhưng không làm hợp đồng với chủ nhà vì tin tưởng. Đến tháng thứ 6 chủ nhà “hét” giá lên 35 triệu đồng/tháng, chị Hoa đành “cắn răng” chấp nhận mức giá này vì công việc kinh doanh vừa ổn định, nếu từ bỏ để đi thuê mặt bằng khác thì còn khó khăn hơn. Tuy vậy, khi chị Hoa đề nghị làm hợp đồng thuê trong vòng 2 năm, chủ nhà không đồng ý thời hạn này mà chỉ chấp nhận hợp đồng nửa năm. Chị Hoa cho biết, chắc chắn sau 6 tháng nữa, giá mặt bằng này sẽ tiếp tục tăng lên, không rõ chị có “chịu nhiệt” nỗi không.
Theo tìm hiểu, không ít người kinh doanh gặp phải trường hợp chủ mặt bằng “lật kèo” hoặc tìm cách làm hợp đồng cho thuê ngắn hạn để tăng giá thuê. Một số người đi thuê đã kiện chủ nhà nhưng hao tốn thời gian, thậm chí gián đoạn công việc kinh doanh của mình chỉ vì chuyện mặt bằng. Trong khi mức tăng giá mặt bằng thuê ở một số khu vực có thể đạt ngưỡng 30-40% trong vòng một năm.
Ghi nhận cho thấy, nhiều người đã âm thầm trả mặt bằng vì không chịu được “nhiệt” tăng giá. Thậm chí có trường hợp chủ nhà tăng giá gấp đôi so với cam kết ban đầu khiến nhiều người trả mặt bằng đi nơi khác. Đặc biệt, khi có đơn vị kinh doanh “nhảy” vào thuê với giá cao hơn là một số chủ nhà tìm mọi cách để “tiễn” khách cũ, lấy lại mặt bằng.
Tại khu vực trung tâm TP các mặt bằng kinh doanh luôn trong tình trạng “đắt giá” và khan hiếm. Mặc dù giá cho thuê cao đã cao ngất ngưởng nhưng theo ghi nhận chủ nhà vẫn tăng giá ít nhất 10% trong vòng một năm. Trong khi ở vùng ngoại ô, ở một số khu vực đang trên đà phát triển, dân nhập cư về buôn bán nhộn nhịp thì mức tăng giá ghi nhận nhanh hơn. Có những mặt bằng liên tục tăng theo quý khiến người thuê ngao ngán, thậm chí “bỏ cuộc”.
Theo kết quả khảo sát của một đơn vị nghiên cứu cho thấy giá thuê nhà mặt tiền tại Tp.HCM tăng thêm bình quân từ 12%-15% so với thời điểm đầu năm 2019. Trong đó, mặt bằng ở các tuyến đường lớn, sầm uất thuộc quận 3, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Tân, Tân Phú… giá thuê tăng đến 20%. Một số con hẻm nhỏ nhưng rộng và nằm trung tâm cũng tăng 20%-30%. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu về mặt bằng thương mại ngày càng tăng cao. Ngoài ra, việc giá BĐS tăng khá mạnh thời gian qua nên buộc giá cho thuê cũng phải tăng theo.
Đại diện Savills từng cho rằng, hiện giá cho thuê mặt bằng kinh doanh tại vị trí trung tâm đang quá cao. Thực tế khá nhiều người kinh doanh mở rộng thương hiệu, cố lấy mặt bằng đẹp nhưng kinh doanh lại không đạt như kì vọng dẫn đến mặt bằng dễ bị trống và gặp khó khăn. Ngược lại, có những mặt bằng kinh doanh rất tốt nhưng chi phí mặt bằng liên tục tăng giá đã khiến tiểu thương phải từ bỏ.