[ad_1]
Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có góp ý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo đó, về điều 4 Luật Xây dựng về “Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng”, Hiệp hội nhất trí với “Dự thảo Luật Xây dựng” sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Khoản 6, Khoản 8 và bổ sung Khoản 9 Điều 4 Luật Xây dựng.
Hiệp hội đề nghị bổ sung thêm cụm từ “phát triển dự án xanh, công trình xanh” vào Khoản 9 Điều 4 Luật Xây dựng, nhằm định hướng đầu tư xây dựng các dự án, công trình đạt chuẩn xanh, thân thiện môi trường để phát triển bền vững, như sau:
Hiệp hội cho rằng khi lập và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, phát triển vật liệu xây dựng, đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình xây dựng cần có các giải pháp kỹ thuật và quản lý nhằm đảm bảo tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phát triển dự án xanh, công trình xanh”.
Đối với quy định “Chủ đầu tư” dự án đầu tư xây dựng, Hiệp hội rất hoan nghênh nội dung Khoản 4 Điều 1 “Dự thảo Luật Xây dựng” sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật Xây dựng. Lần đầu tiên, có một quy phạm pháp luật xác định “chủ đầu tư là nhà đầu tư” dự án sử dụng vốn khác, tại Khoản (1.c) Điều 7 Luật Xây dựng, quy định: “c) Đối với dự án sử dụng vốn khác mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định lựa chọn.
Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan”.
Hiệp hội nhận thấy, nội dung quy định về “lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư”, cần được đưa vào Dự thảo Luật Đầu tư trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 5-6/2020 vì rất phù hợp với Luật Đầu tư để điều chỉnh tất cả các hoạt động đầu tư. Như vậy, sẽ góp phần giải quyết ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay, đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, do “Quyết định chủ trương đầu tư” theo Luật Đầu tư chỉ ghi tên “nhà đầu tư”, trong lúc Luật Quy hoạch đô thị lại quy định chỉ có “chủ đầu tư” mới được đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực được giao đầu tư.
Về khoản 5 Điều 56, quy định: “5. Chính phủ quy định chi tiết về lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án; dự án, công trình có quy mô lớn, dự án có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng”. Khoản (1.c) Điều 58 Luật Xây dựng, quy định: “c) Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác có quy mô lớn, dự án có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng”.
Điều 83a (mới) Luật Xây dựng, tại Khoản (1.c), quy định: “c) Công trình xây dựng sử dụng vốn khác có quy mô lớn, dự án có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng được xây dựng tại khu vực không có quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn”.
Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Xây dựng (sửa đổi), trong đó có định lượng thế nào là “dự án, công trình có quy mô lớn, dự án có ảnh hưởng lớn đến an toàn và lợi ích cộng đồng”, để trình Quốc hội xem xét đồng thời với “Dự thảo Luật Xây dựng” (Ghi chú: “Phụ lục II Danh mục công trình, hạng mục công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng (ban hành kèm theo Nghị định 46/2015/NĐ-CP)”, chỉ đề cập các công trình có ảnh hưởng đến an toàn cộng đồng).