[ad_1]
Lễ khởi công nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ – Bình Định.
Hôm nay 29/5, BCG Energy đã chính thức khởi công dự án xây dựng và phát triển nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ, tọa lạc tại địa bàn xã Mỹ An và Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
Với tổng vốn đầu tư khoảng 6.200 tỷ đồng, diện tích 380ha và tổng công suất thiết kế 330MW; cho tới thời điểm này, Phù Mỹ là dự án nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất tỉnh Bình Định. Dự án do Công ty Cổ phần Phát Triển Tầm Nhìn Năng Lượng Sạch – Công ty thành viên trực thuộc BCG Energy trực tiếp triển khai.
Dự án Phù Mỹ sẽ được được chia thành ba nhà máy với công suất lần lượt là: 120MW, 110MW và 100MW. Khi dự án hoàn thành vào cuối năm 2020, ước tính sẽ đạt sản lượng điện khoảng 520 triệu kWh mỗi năm, đồng thời giúp giảm phát thải khoảng 146.000 tấn CO2.
Hiện tại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Theo Nghị định 13, cơ chế giá ưu đãi mới (FIT 2) với cả 3 loại hình gồm điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời nổi và điện mặt trời trên mái nhà, hiệu lực đến hết ngày 31/12/2020. Vì vậy, BCG Energy đặt mục tiêu hoàn thiện toàn bộ 3 phân khu nhà máy Phù Mỹ với tổng công suất là 330MW trong năm nay và đấu nối trước 31/12/2020 để hưởng mức giá ưu đãi nói trên
“Bình Định là địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời tốt, tương đương với một số tỉnh Nam Trung bộ là Ninh Thuận và Bình Thuận. Cường độ bức xạ mặt trời ước tính trung bình 5,24 kWh/m2/ngày, cao hơn mức trung bình 3 – 5 kWh/m2/ngày của cả nước, số giờ nắng bình quân khoảng 7 giờ/ngày.
Ngoài thuận lợi về khí hậu, Bình Định còn sở hữu khu kinh tế Nhơn Hội, các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tây Sơn, Vĩnh Thạnh có mật độ dân cư khá thưa thớt, thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Thêm vào đó, chính quyền tỉnh Bình Định cũng đã và đang có những chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư, điều này khiến cho các doanh nghiệp – trong đó có BCG Energy quyết định đầu tư vào tỉnh.
Quan trọng hơn hết, không như Ninh Thuận và Bình Thuận, tỉnh Bình Định vẫn chưa có sự bùng phát các dự án năng lượng mặt trời. Vì vậy, các dự án sẽ không gặp phải tình trạng quá tải, dù đã xây dựng xong nhưng không thể đấu nối“, ông Phạm Minh Tuấn – Tổng Giám đốc BCG Energy kiêm Tổng Giám đốc công ty Phát Triển Tầm Nhìn Năng Lượng Sạch nêu nguyên do vì sao lại chọn đầu tư ở Bình Định.
Ông Phạm Minh Tuấn đang trả lời phỏng vấn báo giới ở buổi khởi công dự án Phù Mỹ.
Dù tham gia thị trường năng lượng tái tạo không phải sớm nhất, song BCG Energy lại là một trong những đấu thủ tích cực nhất.
Năm 2019 vừa qua là cột mốc đánh dấu những thành tích đầu tiên của BCG Energy, với việc đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời BCG-CME Long An 1 – công suất 40,6MW và dần thi công hoàn thiện cũng như tiến hành những thử nghiệm cuối cùng để phát điện nhà máy BCG-CME Long An 2 – công suất 100,5MW.
Hiện BCG Energy đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý cho các dự án năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời trên mặt nước, năng lượng gió tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Vĩnh Long,… Bên cạnh đó, công ty cũng nghiên cứu khả năng phát triển năng lượng khí đốt thiên nhiên hóa lỏng LNG tại Long An. Như đã nói ở trên, do dự đoán trước được tình hình quá tải ở ‘thủ phủ’ năng lượng tái tạo, nên danh mục đầu tư của BCG Energy không tập trung ở Ninh Thuận – Bình Thuận mà tản ra cả nước.
Còn trong Hội nghị Gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 11/2019, BCG Energy đã tiết lộ chi tiết số tiền sẽ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong tương lai của mình: dự án điện mặt trời Sunflower có vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng đang chờ Chính phủ phê duyệt bổ sung, dự án Redsun có vốn đầu tư 1.050 tỷ đồng được đầu tư trong 20 năm, dự án ở Bến Tre có công suất 100MW, dự án tại Tây Nguyên có tổng vốn đầu tư 5.900 tỷ đồng, nhà máy điện khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) với tổng mức đầu tư lên đến 70.000 tỷ đồng – quy mô 500ha, tổng công suất 2.800MW tại Cần Đước – Long An…
Mặt khác, trong giai đoạn 2020 – 2025, BCG Energy còn đặc biệt chú trọng đến mảng năng lượng mặt trời áp mái vì tính chất triển khai nhanh chóng và thủ tục tương đối đơn giản so với triển khai dự án nhà máy. BCG Energy đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 50MW công suất cho các dự án điện áp mái trong năm 2020 và 500MW đến năm 2025.