[ad_1]
Ngành BĐS là một bộ phận hữu cơ, quan trọng của nền kinh tế quốc dân, có liên quan đến hơn 90 ngành nghề, trước hết là ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng (thép, xi măng, gạch, đá, nhôm, kính…), trang thiết bị nội ngoại thất, tạo việc làm cho hàng triệu người lao động, bao gồm BĐS công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, giáo dục, y tế, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, văn phòng làm việc…
Về mặt an sinh xã hội, thì bất động sản nhà ở giải quyết nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp nhân dân và người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại nước ta, hình thành nên các khu đô thị mới, các khu dân cư mới ngày càng hiện đại và thân thiện môi trường.
Theo Tổng Cục Thống kê, tỷ trọng đóng góp của ngành BĐS vào GDP chỉ là 0,21%, nhưng Hiệp hội nhận thấy số liệu này chưa được tính đầy đủ vì chưa bao gồm khoảng 50% giá trị ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng; trang thiết bị nội ngoại thất… phục vụ trực tiếp cho các dự án bất động sản.
Theo HoREA, khi nền kinh tế bị khủng hoảng như các năm 1997, 2008, thì thị trường bất động sản phục hồi là một trong các động lực chính kéo theo sự phục hồi của nền kinh tế.
Thế nhưng, nhìn tổng thể, thị trường BĐS quý 1/2020 bị trầm lắng (tháng 03 và nửa đầu tháng 04/2020 gần như bị đóng băng), giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn. Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp BĐS nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Từ thực tế trên, HoREA liên tục đề nghị các giải pháp “cứu” thị trường BĐS.
Thứ nhất, BĐS là lĩnh vực được hưởng chính sách hỗ trợ từ Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, HoREA đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp BĐS được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 theo tinh thần Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ hai, về giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất
Theo HoREA, Nghị định 41/2020/NĐ-CP “Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất”, nhưng chưa quy định việc giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất.
Vì thế, HoREA đề nghị xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 đến 6/2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có Thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ 5 tháng, tương tự quy định giãn thuế của Nghị định 41/2020/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, đề nghị xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Thứ ba, về chi phí lãi vay được tính khấu trừ thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo mô hình mẹ-con
Mục đích của Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP là nhằm chống chuyển giá tại các tập đoàn đa quốc gia, nhưng khi áp dụng thì tác động bất lợi, làm thiệt thòi cho các doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết theo mô hình mẹ-con, đi đôi với mức khấu trừ chi phí lãi vay chỉ 20% là quá thấp và không hợp lý.
Hiện nay, đại dịch CoViD-19 làm gia tăng áp lực tài chính lên doanh nghiệp làm cho doanh nghiệp gặp khó chồng khó khi bị xuất toán các chi phí lãi vay “thật” này và vừa phải bị đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp trên khoản lãi vay bị xuất toán, trong lúc doanh nghiệp có thể đang bị thua lỗ.
Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho doanh nghiệp được giãn tiến độ 5 tháng đối với các khoản thu thuế phát sinh từ những bất hợp lý trong quá trình thực hiện Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP mà doanh nghiệp chưa nộp, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (có hiệu lực), để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP theo kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế