[ad_1]
Vợ chồng tôi cưới nhau đã được 5 năm. Hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, tổng lương được 15 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi chấp nhận ở nhà trọ, bởi tiền mua nhà rất lớn, tôi lại không muốn vay nợ ngân hàng rồi lo còng lưng trả nợ.
Hai vợ chồng tôi thuê một căn nhà trọ 20 m2 trong ngõ sâu với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Khi chưa có con đầu lòng thì hàng tháng tổng chi tiêu chỉ hết tầm 5 triệu/tháng, tiết kiệm được 10 triệu đồng/tháng.
Lấy nhau được 2 năm thì hai vợ chồng dành dụm được số tiền gần 300 triệu đồng. Nhưng chúng tôi bắt đầu sinh con gái đầu lòng, căn nhà cũng vì vậy mà chật hẹp thêm, chi tiêu gia đình hàng tháng cũng phải 8 – 9 triệu đồng.
Đến nay sau 5 năm đi làm, chúng tôi tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng, nhưng giá nhà ở Hà Nội quá cao, căn rẻ nhất ở xa trung tâm cũng phải tầm 1 tỷ đồng. Đợi đến lúc đủ tiền mua nhà cũng phải mất tầm 6 – 7 năm nữa. Trong khi đó, giá nhà có thể không còn như lúc này nữa. Hơn nữa, trong ngần ấy năm, tôi vẫn đều đặn mất chi phí thuê nhà trọ, phí điện, nước khá cao.
Bởi vậy, tôi quyết định thay đổi quan điểm: Nếu mua nhà thì phải vay ngân hàng.
Vợ chồng tôi mua một căn hộ diện tích 65 m2, giá 1,2 tỷ đồng, vay ngân hàng 70% và quyết định chọn mức hạn trả dài nhất. Bởi cuộc sống nhiều bất trắc, số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng không thể dành trả nợ hết mà còn dự phòng đau ốm, đột ngột mất việc nữa.
Hiện giờ vợ chồng tôi đã có căn nhà riêng của mình và hàng tháng vẫn trả nợ. Có nhà để ở thì cảm giác trả nợ cũng thoải mái hơn rất nhiều. Lúc này thì tôi mới thấm câu “an cư lạc nghiệp”.
Bởi vậy nên tôi khuyên những người trẻ đang phân vân chuyện có nên mua nhà không rằng nếu có lương ổn định 15 – 20 triệu đồng, bạn nên “liều” vay nợ để mua nhà. Đợi đến khi bạn có đủ tiền rồi thì rất có thể việc mua nhà vẫn ở xa tầm tay vì thị trường liên tục biến động cả về giá cả và nguồn cung – cầu.