[ad_1]

Tranh chấp đất đai gia tăng

Tỉnh Kiên Giang có 5 quần đảo, gồm: Hải Tặc (Hà Tiên), Bà Lụa (Kiên Lương), Nam Du (Kiên Hải), An Thới và Thổ Châu (Phú Quốc). Tất cả những quần đảo này đều đẹp… lung linh. Tiếc thay, quần đảo Nam Du – tiên cảnh được ví như “Hạ Long phương Nam”, nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới đang bị tổn thương nghiêm trọng.

Khoảng 5-7 năm về trước, quần đảo Nam Du đơn thuần chỉ là một ngư trường đánh bắt của ngư dân tứ xứ. “Nàng tiên cá” được đánh thức bởi những chuyến tàu cao tốc. Ban đầu, các doanh nghiệp vận tải chỉ đặt mục tiêu phục vụ đi lại của người dân trên các hòn đảo với đất liền. Nhưng với vẻ đẹp khó cưỡng của vùng biển đảo còn hoang dại lắm cá nhiều tôm ấy, “tiếng lành” cứ đồn xa mãi. Từ chỗ chỉ có dân phượt, dần dần các tour tuyến du lịch lữ hành hình thành và ngày càng nhộn nhịp. Các dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, ăn uống… nở rộ, theo đó đất đai cũng “nóng” lên từng ngày.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trong những năm gần đây, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng hối hả đổ xô ra đảo mua đất, trong đó có cả những người đến từ  Hải Phòng. Tuy nhiên, nhà đầu tư thì ít mà… đầu cơ thì nhiều. Ông Nguyễn Văn Bảy – một người dân sống lâu năm trên đảo nói: “Miếng đất 200m2 sát biển của nhà tôi cách đây 5-6 năm kêu bán hai trăm triệu không ai mua, giờ đây họ trả 2,2 tỷ đồng nhưng vợ chồng còn đắn đo không dám bán, vì sợ bán xong rồi chưa chắc đã mua được miếng khác như vậy”. Ông Bảy đơn cử trường hợp một gia đình ở bãi Cây Mến, đầu năm 2018 vừa bán lô đất mặt biển giá 80 tỷ đồng cho một đại gia ở Hải Phòng, nhưng chỉ vài tháng sau nó lại được chuyển nhượng cho một công ty với giá 180 tỷ đồng. Gia đình cố cựu trên đảo này chỉ có biết tiếc “đứt ruột, đứt gan” mà thôi.

Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn – ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết: Xã có 1.300 hộ với 4.500 dân nhưng có tới 74 nhà nghỉ, khách sạn, công suất trên 2.000 du khách ngày đêm. Lượng khách tới đảo trong Q.I/2019 gần 50 ngàn lượt, gấp hơn 11 lần dân số địa phương. Sốt đất trên quần đảo Nam Du cũng đã tác động không nhỏ đến tình hình KT-XH của địa phương. Giá đất tăng khoảng 10 lần trong vòng 5 năm qua. Đất đảo xưa cho không ai lấy, nay tranh chấp đất đai, khiếu kiện giữa người dân với người dân và giữa người dân với nhà nước gia tăng, quyết liệt.

Trên các đảo lớn như Lại Sơn, An Sơn, Nam Du…, nhiều vùng đất ven biển, đất đồi núi đã bị san lấp, lấn chiếm, xây dựng búa xua. Nhiều công trình ngày đêm xây dựng, bất chấp cả pháp luật. Báo cáo của UBND huyện Kiên Hải thừa nhận: “Trước sự phát triển mạnh về du lịch của Kiên Hải, nhất là lợi nhuận đem lại quá cao từ đất đã kích thích nhiều người dân, một số cán bộ Đảng viên trong và ngoài huyện, tìm cách bao chiếm, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, đất do nhà nước quản lý, chuyển nhượng đất trái phép; xây cất nhà không xin phép, đất không được phép xây dựng… Làm cho đất đai ở Kiên Hải diễn biến phức tạp”. Việc ồ ạt xây dựng, san lấp đất đai trên đảo đã làm cảnh quan môi trường đang bị phá vỡ; ô nhiễm môi trường do rác thải cũng đang báo động.

Cấp sổ đỏ siêu nhanh

Tìm hiểu của  PV Tiền Phong cho thấy, có ít nhất gần 56 ngàn mét vuông đất trên quần đảo Nam Du và các đảo phụ cận của huyện Kiên Hải đã bị cấp sai cho các cá nhân trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, theo nhận xét của một vị lãnh đạo hiểu biết, nếu làm rõ thì số lượng sai phạm còn “ghê gớm” hơn nhiều.

Hạ Long phương Nam đang bị... tùng xẻo - Ảnh 1.

 Một góc quần đảo Nam Du

Một số sai phạm đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Vụ hợp thức hóa đất nhà nước quản lý “siêu tốc” cho ông Lâm Văn Khoa, ngụ tại ấp Bãi Ngự, xã An Sơn là một ví dụ. Hai thửa đất 489,9m2 và 5.429m2 nguồn gốc là đất rừng phòng hộ nhưng ông Khoa bao chiếm và đã bị lập biên bản.

Ngày 2/8/2018, ông Khoa vẫn đi làm thủ tục để hợp thức hóa và được Chủ tịch UBND xã, ông Phạm Thanh Việt xác nhận “có trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp”. Cùng ngày, ông Khoa làm 2 đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) và được cán bộ địa chính, ông Lương Phi Khanh cùng ông Việt, chủ tịch UBND xã Nam Du xác nhận: “Đủ điều kiện cấp giấy CNQSDĐ”.

Ngày 21/8, cán bộ xã An Sơn đi thẩm tra xác minh. Ngày 22/8, cán bộ Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐĐ) huyện “bay” ra đảo An Sơn (cách trụ sở huyện khoảng 60km đường biển) kiểm tra nguồn gốc đất. Cùng ngày, Giám đốc VPĐĐ huyện Kiên Hải ông Lê Văn Thích ký duyệt hồ sơ, và lập tức chuyển thông tin nộp thuế. Cục Thuế ngay ngày hôm đó ra thông báo thuế để ông Khoa nộp tiền vào ngân sách. Cũng trong ngày 22/8, Trưởng phòng Phòng Kinh tế hạ tầng – Tài nguyên môi trường (TN&MT) huyện Kiên Hải, ông Trần Thanh Thắng ký tờ trình gửi UBND huyện Kiên Hải về việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Khoa. Và trong ngày “đẹp trời” 22/8 ấy, ông Khoa được Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải – ông Huỳnh Hoàng Sơn ký cấp 2 giấy chứng nhận QSDĐ (số BU 400282 và BU 400284), tổng diện tích 5.918,9m2.

Như vậy, quy trình từ cán bộ xã đi xác minh đến ra sổ đỏ chỉ đúng 2 ngày.

Ngoài “phi vụ” nói trên, UBND huyện Kiên Hải và các bộ phận liên quan khác còn nhiều sai phạm khi cấp đất, thuê đất. Cụ thể cấp hơn 2.300m2 đất cho ông Nguyễn Thanh Điền (xã Lại Sơn), nguồn gốc là đất rừng phòng hộ; cho thuê 5.000m2 đất không đúng quy định đối với ông Ngô Hoàng Châu (Vĩnh Long); bà Trần Thị Trang (Vĩnh Long) thuê 1.460,5m2 tại xã Lại Sơn; bà Trần Thị Diễm (thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) gần 400m2 tại xã An Sơn; Chuyển mục đích đất từ cây lâu năm sang đất thương mại – dịch vụ cho ông Ngô Hoàng Châu, diện tích 4.950m2 tại xã Lại Sơn; bà Trần Thị Diễm 698,9m2 tại xã An Sơn không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt.  Sai phạm trong việc giao đất không thu tiền sử dụng đất (từ đất rừng chuyển sang đất trồng cây lâu năm) cho bà Phan Thị Cẩm Hằng ( thành phố Rạch Giá, Kiên Giang) 15.000m2; bà Nguyễn Thị Nhật (Hòn Đất, Kiên Giang) 8.000m2 tại xã An Sơn cũng không đúng đối tượng…

Đất đảo xưa cho không ai lấy, nay tranh chấp đất đai, khiếu kiện giữa người dân với người dân và giữa người dân với nhà nước gia tăng, quyết liệt.



Theo Hồng Lĩnh


Tiền Phong

[ad_2]

LIÊN HỆ TRỰC TIẾP CHỦ ĐẦU TƯ

HOTLINE TƯ VẤN 24/7: 0819.096.096

Hoặc cung cấp nội dung theo mẫu bên dưới, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Chân thành cảm ơn Quý khách hàng đã quan tâm đến các dự án của chúng tôi đầu tư, cũng như là dự án mà chúng tôi phát triển và phân phối!

 





    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *