[ad_1]
Theo ông Lâm, cơ hội sở hữu nhà của người trẻ lần đầu ngày càng xa vời, trong khi những dự án BĐS mới, có mức giá trên dưới 1.5 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm. Nếu năm 2016 tỉ lệ nguồn cung căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thì đến năm 2018 còn khoảng 17-19%, hiện tại thì không thể đua được nguồn cung vì tỉ lệ quá thấp.
Chưa kể, giá BĐS những năm qua liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại. Chẳng hạn, căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16 -21 triệu đồng/m2 hiện đã tăng tương ứng 25-36 triệu đồng/m2. Giá BĐS tăng chóng mặt, có nơi tăng giá khoảng 200% đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng/tháng.
Theo ông Lâm, người trẻ ngày càng khó mua được nhà để ở
“Cách đây 5 năm, tôi xuống quận 9, giá đất chỉ khoảng 9-10 triệu đồng/m2, bây giờ quay lại hầu hết đã lên mức 50 triệu đồng/m2. Càng ngày giá BĐS càng tăng cao, người mua ngày càng phải đi xa và càng khó tiếp cận cơ hội để mua nhà”, ông Lâm cho hay.
Theo vị chủ tịch này, nhà có thể mua được so với thu nhập hàng năm của mình đâu đó thường gấp 4-5 lần. Chẳng hạn, thu nhập 300 triệu đồng/năm thì nhà có thể mua là 1.5 tỉ đồng. Như vậy, nếu thu nhập 20 triệu đồng/tháng thì nhà mua ở khung giá 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Thế nhưng, với khung giá này hiện tại ở Tp.HCM không có nhà để mua, không khả thi.
Ở một vài khảo sát về thu nhập và giá nhà, DKRA Vietnam chỉ ra, nếu thu nhập 25 triệu đồng/ tháng, đi vay 1 tỉ đồng để mua nhà 2 tỉ thì tính toán ra chỉ còn khoảng 10 triệu đồng để sống.
“Giá nhà tăng cao, vượt xa mức tăng thu nhập bình quân đầu người và liên tục lập chuẩn mặt bằng giá mới cho mỗi phân khúc. Nguồn cung phân khúc nhà ở có mức giá trung bình ngày càng khan hiếm khi các chủ đầu tư tập trung phát triển bất động sản hạng B và hạng A. Điều này dẫn đến việc sở hữu nhà ở cho những người có thu nhập trung bình, đặc biệt là người trẻ, ngày càng trở nên khó khăn hơn”, ông Lâm tiếp tục nhấn mạnh.
Trong khi đó, Việt Nam đang ở thời kỳ “dân số vàng” với cơ cấu đạt 96,2 triệu người, trong đó đối tượng người trẻ dưới 35 tuổi chiếm khoảng 36%. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam xấp xỉ 2,600 USD/năm, riêng ở TP.HCM khoảng 6,400 USD/năm, trung bình từ khoảng 9 -10 triệu đồng/tháng – dưới 20 triệu đồng/tháng. Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện tại đạt mức 23%. Theo đó, nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết.
Nhu cầu nhà ở còn rất lớn nhưng giá nhà liên tục tăng khiến cơ hội an cư cho người trẻ ngày càng xa vời
Theo định hướng của Bộ Xây dựng, diện tích nhà ở bình quân phấn đấu đạt mức 22m2/người. Hiện tại, diện tích nhà ở bình quân đầu người ở TP.HCM năm 2019 mới chỉ ở mức 19.4m2/người. Dân số TP.HCM gia tăng bình quân 1 triệu người trong vòng 5 năm. Mỗi năm có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 5 năm, giá nhà cũng đã tăng 50 – 60%, từ khoảng 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Trong khi đó, nguồn cung căn hộ hạng C ngày càng sụt giảm, cá biệt trong quý 2/2019 không có nguồn cung mới. Loại hình nhà ở xã hội tồn tại nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu to lớn của người dân.
Theo ông Lâm, trong bối cảnh hiện tại, bài toán an cư của người trẻ tại TP.HCM ngày càng trở nên cấp thiết và khó giải quyết. Để chung tay giải bài toán này, tất cả chủ thể tham gia thị trường bao gồm Chính phủ, Nhà nước, các Bộ ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư và cả khách hàng.
Cụ thể, khách hàng cần lưu ý và cân nhắc điều kiện tài chính của bản thân, chuẩn bị sẵn sàng một nguồn lực tài chính và xác định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở cũng như thu nhập đảm bảo việc chi trả nhà trong dài hạn, cũng như chi phí sinh hoạt cuộc sống sau khi cấn trừ khoản tiền góp nhà hàng tháng. Khi quyết định sở hữu nhà ở, cũng phải xem xét và lựa chọn sản phẩm/dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán.
Về phía Chính phủ, Nhà nước, cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn người dân có nhu cầu, đồng thời có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình này. Xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu.
Theo Trí Thức Trẻ