[ad_1]
Nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch viêm phổi cấp. Riêng tại Việt Nam, Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt riêng ngành du lịch, hàng không chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo thông tin từ Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA), dịch CoVid- 19 đã làm đảo lộn mọi mặt đời sống xã hội và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu.
Trước hết là các thị trường chứng khoán, hàng không, du lịch bị chao đảo, sụt giảm mạnh, tương tự như thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 1997 và 2008. Đi đôi với tổng cầu giảm, giá dầu giảm, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đảo lộn, làm cho nền kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ rơi vào khủng hoảng, tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta, trong đó có thị trường BĐS.
Trong xu thế này, thị trường bất động sản đã khó lại càng thêm khó. Hàng trăm doanh nghiệp ngóng chờ được tháo gỡ thì nay đều phải hoãn lại các kế hoạch triển khai dự án mới vì các cơ quan hành chính đều đang tập trung chống dịch. Trước đó vào cuối năm 2019, UBND TP đã chuẩn bị nhiều phương án để tháo gỡ khó khăn cho hàng trăm dự án bị ách tắc.
Nhiều cuộc họp bàn giải pháp giữa chính quyền và lãnh đạo các doanh nghiệp đã diễn ra với tâm thế quyết tâm cao độ của các lãnh đạo để kịp thời giải cứu doanh nghiệp BĐS. Mới đây nhất là vào ngày 22/2, tại cuộc họp giữa UBND Tp.HCM, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM và 36 lãnh đạo doanh nghiệp trên địa bàn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các sở ngành lập tức tìm phương án tháo gỡ cho hàng trăm dự án bị ách tắc.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng đề nghị các sở ngành mỗi tuần phải họp liên tục để gỡ ít nhất 3 – 4 dự án. Trong trường hợp cần thiết chủ tịch TP.HCM yêu cầu họp ngoài giờ để “gỡ cho bằng hết”.
Đến nay, TP đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 3-4 dự án. Mới đây nhất là gỡ khó cho các dự án như Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên, Khu dân cư phía Đông rạch Bà Cua và Quy hoạch phân khu số 14 khu nhà ở Nguyễn Hữu Thọ, Nhà Bè, phần nào lấy lại niềm tin cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, hiện nay TP đang tập trung để phòng chống dịch Covid-19 cho nên quá trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS có thể kéo dài hơn dự kiến.
Ghi nhận cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mặc dù chính quyền từng ra quyết tâm phải nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường nhưng hiện tại gần như tất cả các cơ quan hành chính đều đang phải tập trung chống dịch, nhiều cuộc họp quan trọng bị tạm hoãn. Mới đây nhất, cuộc họp Trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ chủ trì dự kiến diễn ra vào ngày 6/3 để tìm giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản cũng đã bị hoãn lại.
Trong khi đó, chỉ trong vài tháng đầu năm 2020 có hàng chục doanh nghiệp gửi đơn thư cầu cứu đến cơ quan chức năng. Theo HoREA cho biết, hơn chục văn bản kiến nghị được gửi đi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi về phương án tháo gỡ. Thời điểm sau Tết, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng liên tục gửi đơn thư cầu cứu nhưng cho đến nay vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn phải đối diện với nguy cơ phá sản do không còn đủ chi phí cầm cự.
Theo dự báo của chuyên gia, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài thì các doanh nghiệp BĐS sẽ phải chuẩn bị phương án dự phòng trong rủi ro, tiếp cận các nguồn vốn mới hoặc tìm phương án thay thế kinh doanh tạm thời để vượt qua khó khăn. Bởi rất có thể, quá trình tháo gỡ cho nhiều dự án bị ách tắc sẽ còn kéo dài lâu hơn dự kiến.