[ad_1]
47 lô đất ở khu giãn dân Quan Giai, xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội đang được rao bán với giá 12-20 triệu đồng/m2 tùy vị trí. Mức giá này cao gấp 3 lần so với 20 ngày trước.
Giá đất tăng 3 lần sau 20 ngày
Tình trạng giá đất tăng chóng mặt ở Đồng Trúc xuất phát từ thông tin gần đây Tập đoàn Vingroup đề xuất tham gia thực hiện 2 khu đô thị mới ở Hà Nội trong đó một dự án nằm tại xã này.
Năm 2007, xã Đồng Trúc và huyện Thạch Thất thực hiện chủ trương giãn dân và thành lập khu tái định cư Quan Giai với 47 lô đất. Diện tích các lô đất dao động từ 160 m2 đến 200 m2, trong đó phổ biến nhất là 186 m2. Toàn bộ các lô đất này đều đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu.
Theo người dân trong khu vực, từ thứ 3 tuần trước (ngày 17/3), “cò” đất lẫn khách xem đất liên tục đổ về. Trong 2 ngày cuối tuần, toàn bộ tuyến đường từ đầu làng đến khu đất giãn dân dài khoảng 500 m ken ôtô, xe máy.
“Chỉ trong 6 ngày, giá nhiều mảnh đất được thổi từ 8 triệu lên 17 triệu/m2. Giá tăng từng ngày, từng giờ, ‘cò’ đất từ nơi khác kéo đến, ôm đất, thổi giá rồi bán. Miếng đất tiền tỷ được mua bán như bó rau”, ông Gang (58 tuổi), bán nước tại khoảng đất trống đầu làng, nói.
Quán nước đầu làng của ông Gang là điểm hẹn của khoảng 20 môi giới. Từ đây, khách đến xem hoặc mua đất được môi giới dẫn vào khu đất giãn dân Quan Giai.
Nói về cơn sốt đất ở địa phương, ông Gang cho hay chưa bao giờ đất Đồng Trúc có giá như mấy ngày gần đây. Năm 2007, địa phương lập khu đất này để giãn dân, giá đất cao nhất chỉ khoảng 4-5 triệu đồng/m2. Qua nhiều năm, giá đất gần như không biến động. “Thế mà chỉ mấy ngày đã được thổi lên 15-17 triệu đồng/m2. Điều này không ai ngờ tới”, ông Gang nói thêm.
Ông Gang và vài người khác đang sở hữu mảnh đất gần 2.500 m2 gồm cả đất ở, đất vườn và đất nông nghiệp gần khu đất mà tập đoàn Vingroup muốn làm dự án. Mấy hôm gần đây có vài khách hỏi, ông rao bán với giá 9 triệu đồng/m2, cao hơn 3 triệu đồng/m2 so với mức giá nhiều năm trước ông mua. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, chưa ai xuống tiền mua mảnh đất của ông Gang.
Theo ghi nhận, phần lớn các lô đất tái định cư Quan Giai bỏ không nhiều năm. Có lô để trống, cỏ mọc dày đặc, có lô đang được tận dụng trồng lúa hoặc rau.
Các lô đất nằm cuối cánh đồng, cách đại lộ Thăng Long khoảng 700 mét. Ảnh: T.T |
11h trưa, trên 100 người đang có mặt tại khu vực này, một “cò” đất thừa nhận chỉ 10% số này là khách, còn lại đều là “cò”. Người này giới thiệu một lô đất 186 m2, giá hơn 3,35 tỷ đồng, tức 18 triệu đồng/m2. 20 ngày trước, giá của lô đất này là 6 triệu đồng/m2, tức chỉ 1,11 tỷ đồng. Một mảnh đối diện diện tích tương tự được rao bán với giá 16 triệu đồng/m2 – cao gấp 3 lần so với đầu tháng 3.
|
Cảnh tấp nập, đông đúc khác thường ở khu giãn đân Quan Giai. Ảnh: T.T. |
Hầu hết “cò” đất đều lập luận những ngày này mới chỉ là thời điểm đầu của cơn sốt, trong khi cơn sốt lần này ở Đồng Trúc có thể kéo dài 1-2 tháng, từ đó họ lôi kéo, thuyết phục khách đầu cơ lướt sóng.
“Phần lớn khách xuống đây đều lướt sóng, nếu mua nhanh bán nhanh có thể chốt lời một vài giá trong ngày”, một môi giới tên Hưng chia sẻ.
Nhà đầu tư có nguy cơ mắc cạn nếu không tỉnh táo
Đa phần khách đến xem đất không biết địa điểm, thông tin cụ thể của dự án đang ở khâu xin nghiên cứu quy hoạch, cũng không rõ đặc điểm của các lô đất ở Quan Giai.
Một nhóm khách gồm 5 người đi ôtô biển số Hà Nội đến, sau khi tìm hiểu thông tin dự án và các mảnh đất đang được chào bán thì được giới thiệu lô đất 186 m2 với giá 18 triệu/m2. Cũng chính lô đất đó 30 phút trước được “cò” giới thiệu với khách mức giá 17 triệu đồng/m2.
|
Theo quan sát, giao dịch thành công ở khu vực này không nhiều. Ảnh: T.T. |
Nhóm khách, cò đất chỉ bớt đông khi quá trưa. Trong cuộc trao đổi ngắn lúc vắng khách giữa 2 cò đất, một người nói: “Cứ hô giá thế, 19-20 triệu, trúng thì trúng, không thì thôi”.
Theo quan sát, giao dịch thành công ở khu vực này không nhiều. Giá chốt mua và bán cũng vô chừng, nhốn nháo, chộp giật, tùy vào sự hiểu biết của khách. Cò đất liên tục hối thúc khách mua, gọi điện giục chốt giá, thậm chí có người livestream để quảng cáo.
Một cán bộ địa chính xã Đồng Trúc cho biết xã đang theo dõi, nắm bắt tình hình môi giới đẩy giá đất trên địa bàn vài ngày gần đây. Vị này thừa nhận nhiều người ở huyện Thạch Thất và cả môi giới bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội về địa phương đua nhau đẩy giá đất. Tuy nhiên, lượng giao dịch thực tế không nhiều như đồn thổi.
|
Mua bán đất ở Quan Giai hiện nay chủ yếu diễn ra giữa “cò” đất và các nhà đầu cơ, không có người mua ở thực. Ảnh: T.T. |
Trao đổi với Người Đồng Hành chiều 23/3, ông Nguyễn Đình Nghi, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Trúc, cho biết xã đã nắm bắt tình hình ở khu đất giãn dân Quan Giai.
“Chúng tôi cũng bất ngờ trước cơn sốt đất này. Tuy nhiên xã khẳng định đây là cơn sốt ảo, chủ yếu do ‘cò’ đất từ nơi khác về thổi giá, bơm giá, làm náo loạn. Trong chiều nay, chúng tôi đã chỉ đạo công an xã về khu vực này để giải tán đám đông, vừa để kiểm soát sốt đất, vừa để hạn chế tình trạng tụ tập đông người trong bối cảnh dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp”, Phó Chủ tịch xã nói.
Việc “thổi” giá đất ăn theo quy hoạch hoặc thông tin xây dựng dự án của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vốn đã xuất hiện nhiều năm nay. Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhận định việc sốt đất trong trường hợp này là điều có thể xảy ra do tâm lý muốn đi tắt, đón đầu của nhiều nhà đầu tư. Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, việc tăng giá quá cao, tức từ mức 30% trở lên, trong thời gian ngắn là dấu hiệu của sốt ảo.
“Các cơn sốt ảo đẩy giá đất lên cao hơn so với giá trị thực. Một số nhà đầu tư không tỉnh tảo hoàn toàn có thể mắc cạn trong các cơn sốt. Chúng ta có thể nhìn thấy bài học từ các cơn sốt ở Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong hay gần hơn là Đông Anh, Hoài Đức trong những năm qua. Khi giá đất đã vượt quá xa giá trị thực, người mua cuối cùng hoàn toàn có thể mắc cạn khi lô đất không thể thanh khoản”, ông Đính nói.