[ad_1]
Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Nghị định này thay thế Nghị định 30/2015/NĐ-CP nhưng có nhiều điểm mới, trong đó quy định: Việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu sẽ được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án. Đây được xem là một điểm gỡ nút thắt về thủ tục cho các doanh nghiệp trúng đầu thầu được thực hiện sớm dự án.
Theo ghi nhận, thời gian qua, những vướng mắc về quy định pháp lý trong quá trình triển khai dự án, đặc biệt là sự chồng chéo giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu trong thủ tục giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu được xem là điểm nghẽn lớn được nhiều doanh nghiệp BĐS kiến nghị tháo gỡ. Đây là nguyên nhân khiến nhiều địa phương “không dám” giao dự án mới cho nhà đầu tư và/hoặc “không dám” giao đất cho nhà đầu tư đã trúng đấu thầu, dẫn tới hàng loạt dự án, nhất là các dự án BĐS bị đình trệ. Điều này đã ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của doanh nghiệp và kinh tế địa phương.
Với quy định tại Điều 60, Nghị định 25 đã quy định rõ việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu được triển khai ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án.
Như vậy, liên quan trong việc giải phóng mặt bằng và giao đất/cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, Nghị định 25 đã gỡ bỏ được nút thắt lớn nhất trong hành trình: đấu thầu – giao đất/cho thuê đất – triển khai dự án. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng để các địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu thực hiện dự án.
Luật sư Phạm Thị Nhàn, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, Nghị định 25 đã gỡ “nút thắt” cho những dự án BĐS đang bị tắc nghẽn, rộng đường hơn cho sự phát triển của nền kinh tế.
Cụ thể, Điểm a Khoản 2 Điều 20 Nghị định 25 quy định: Sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu đất thực hiện dự án, việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư áp dụng theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất…
“Như vậy, theo quy định trên, nhà đầu tư trúng thầu được triển khai giao đất ngay sau khi hoàn thành bồi thường, hỗ trợ tái định cư khu đất thực hiện dự án. Điều này đã giải quyết được mâu thuẫn, chồng chéo tồn đọng lâu nay giữa Luật Đất đai và Luật Đấu thầu, giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng tại các địa phương do lung túng trong việc áp dụng pháp luật. Trước đây, Luật Đất đai chưa quy định rõ đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo pháp luật đấu thầu rồi có phải đấu giá quyền sử dụng đất theo pháp luật đất đai”, bà Nhàn nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Phạm Thị Nhàn, thời điểm hiện tại dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các dự án BĐS bị đình trệ lại, giao dịch BĐS cũng diễn ra cầm chừng thì việc Nghị định 25 được ban hành được coi là đúng thời điểm, giúp cho các doanh nghiệp BĐS chủ động, mạnh dạn hơn trong việc tham gia đấu thầu, thực hiện dự án.
Theo một số chuyên gia trong ngành, Nghị định 25 được ban hành giúp các DN BĐS “thở phào” nhẹ nhõm. Những quy định mới trong Nghị định không chỉ giúp giải tỏa, giải phóng mặt bằng nhanh mà các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu sẽ được triển khai xây dựng đúng thời gian, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả doanh nghiệp và xã hội. Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, những vướng mắc đối với nhiều địa phương cũng đã được tháo gỡ.
Theo ghi nhận, trước khi nghị định 25/2020 được Chính phủ ban hành, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản tổng hợp những doanh nghiệp địa ốc trên địa bàn đang gặp những khó khăn, vướng mắc ở nhiều dự án BĐS hiện nay.
Cụ thể, dự án nhà ở xã hội Nam Lý (91A Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Bình, quận 9, TPHCM) của Công ty CP Địa ốc Thảo Điền (Công ty Thảo Điền) đã gần 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai.
Ngày 11/11/2009, Công ty Thảo Điền có văn bản số 228 về việc đề nghị được tự đầu tư hoặc là dự án thứ cấp tại Khu dân cư Rạch Chiếc (phường Phước Bình, quận 9, TPHCM). Đến ngày 16/12/2009, UBND quận 9, TPHCM có văn bản số 1859 về việc đề nghị được tự đầu tư hoặc là dự án thứ cấp tại Khu dân cư Rạch Chiếc.
Đối với phần đất của dự án, Công ty Thảo Điền cũng tiến hành quản lý, sử dụng từ năm 1993. Đồng thời, tự sử dụng nguồn vốn riêng để phục vụ dự án nhà ở xã hội cho cán bộ, công nhân, viên chức, người nghèo… trên địa bàn quận 9. Ấy vậy, dù đã 10 năm trôi qua, nhưng Công ty Thảo Điền vẫn chưa được giao đất để thực hiện dự án.
Tương tự, dự án khu nhà ở Him Lam (phường Phước Bình, quận 9, TPHCM) do Công ty Him Lam làm chủ đầu tư cũng bị “ngâm” từ năm 2003 đến nay. Theo Công ty Him Lam, dự án khu nhà ở Him Lam có diện tích 2,16 ha và đã được bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003, kèm theo đó đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ năm 2010.
Tuy nhiên, dự án khu nhà ở Him Lam là thành phần thuộc dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc (phường Phước Bình, quận 9), do Công ty CP Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.
Thế nhưng, đến nay Công ty CP Địa ốc 10 vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng. Vì vậy, dự án này đã bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, điều tra. Kéo theo đó là việc Công ty Him Lam vẫn chưa được giao đất để thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.
Bên cạnh đó, khá nhiều dự án BĐS bị dính những thủ tục tương tự và kéo dài đến 5-7 năm vẫn chưa được triển khai, liên tục kiến nghị suốt thời gian qua. Với Nghị định mới này, nhiều doanh nghiệp BĐS hi vọng sẽ “sống lại” sau chuỗi ngày “ngủ đông”.