[ad_1]
Ngày 2/6 vừa qua, Công ty Kusstocem Pte. Ltd., một công ty có trụ sở tại Singapore và là một trong những cổ đông lớn và lâu dài của Công ty cổ phần Xây Dựng Coteccons, hiện nắm giữ 17,55% cổ phần trong Coteccons, đã bắt đầu việc tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để cổ đông Coteccons có thể biểu quyết về việc thay đổi Hội dồng quản trị hiện tại, bầu ra Hội đồng quản trị mới và thực hiện kiểm toán đặc biệt đối với hoạt động kinh doanh của Coteccons liên quan tới các vấn đề về xung đột lợi ích, các giao dịch với các bên liên quan, đặc biệt là các giao dịch giữa Coteccons và các công ty còn lại trong cái gọi là “Coteccons Group” từ thời điểm năm 2017.
Động thái này được thực hiện sau nhiều năm nỗ lực không thành công của Kusto trong việc đối thoại với Hội đồng quản trị hiện tại của Coteccons để giải quyết các vấn đề một cách nội bộ. Trong những năm qua, Kusto đã nhiều lần đặt ra câu hỏi cho Hội đồng quản trị và Ban giám đốc về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, việc sử dụng tài nguyên và uy tín của Coteccons cho lợi ích của các công ty khác trong cái gọi lại “Coteccons Group” mà các thành viên có liên quan của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc có các lợi ích liên quan, và yêu cầu Hội đồng quản trị và Ban giám đốc tôn trọng nghĩa vụ của người nhận ủy thác đối với Coteccons và cổ đông.
Tuy nhiên, Kusto cho biết, đã không có câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra bởi Hội đồng quản trị và Ban giám đốc và tất cả các nỗ lực hợp pháp của BKS để thực hiện việc kiểm toán độc lập trên các hoạt động kinh doanh của Coteccons đã không nhận được bất kỳ sự hợp tác nào từ Hội đồng quản trị và BĐH.
Theo số liệu của Coteccons, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ qua từng năm, cho đến năm 2017. Cụ thể, doanh thu các năm 2015-2016-2017 đều tăng khoảng 7.000 tỷ đồng so với năm trước, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 85%-52%-30%. Tuy nhiên, năm 2018 doanh thu chỉ tăng khoảng 1.400 tỷ đồng còn năm 2019 doanh thu đột ngột giảm hơn 4.800 tỷ đồng.
Còn về phía lợi nhuận, mức lãi trước thuế của Coteccons năm 2015 và 2016 lần lượt là 927 tỷ đồng và 1.763 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 100% và 90% so với năm trước. Năm 2017, tăng trưởng chậm lại, ở mức 17%. Sang hai năm 2018 và 2019, lợi nhuận Coteccons liên tục giảm, trong đó mức lãi năm 2019 chưa tới 900 tỷ đồng, sụt giảm hơn 50%.
Theo lý giải của Coteccons, có nhiều nguyên nhân khiến lợi nhuận năm 2019 giảm, như thời gian thi công một số công trình dài hơn dự kiến làm tăng chi phí cố định. Đồng thời, áp lực giảm giá trong công tác đấu thầu với chủ đầu tư cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lợi nhuận gộp của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thi công kéo dài còn ảnh hưởng đến doanh thu tài chính. Cụ thể, thi công chậm khiến dòng tiền thu từ khách hàng chậm, công ty phải sử dụng nguồn tiết kiệm sẵn có để thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, đội thi công… khiến doanh thu tài chính sụt giảm. Đồng thời, trong kỳ công ty có góp vốn điều lệ vào một công ty nên làm giảm nguồn tiền gửi tiết kiệm, cũng ảnh hưởng đến doanh thu tài chính.
Tuy nhiên, theo phía Kusto, nguyên nhân thực sự là do xung đột lợi ích. Kusto cho biết, hiện nay một số thành viên của Hội đồng quản trị và Ban giám đốc Coteccons đồng thời nắm giữ các chức vụ quản lý quan trọng tương tự tại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Ricons, bao gồm cả vị trí chủ tịch và đại diện theo pháp luật. “Chính họ và/hoặc những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons trong khi đồng thời là những người có quyền quyết định các hoạt động hàng ngày tại Coteccons”, Kusto khẳng định.
Ricons, ngoài việc là nhà thầu phụ của Coteccons, cũng là đối thủ cạnh tranh của Coteccons. Ricons cung cấp dịch vụ tổng thầu, thiết kế & thi công, đây cũng là những hoạt động kinh doanh chính của Coteccons, và cạnh tranh trong cùng phân khúc thị trường. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.
Điều này khiến Kusto đặt ra câu hỏi về xung đột lợi ích của một số lãnh đạo cấp cao nhất của Coteccons trong hai vấn đề.
Thứ nhất, các lãnh đạo cấp cao của Coteccons quyết định chọn công ty nào đấu thầu cho dự án nào khi họ đồng thời quản lý cả hai công ty cạnh tranh trực tiếp với nhau?
Thứ hai, các lãnh đạo cấp cao của Coteccons và Ricons quyết định phân bổ lợi nhuận cho từng bên như thế nào trong các hợp đồng giữa hai bên?
Theo Kusto, nếu lãnh đạo cấp cao của Coteccons hành động vì lợi ích tốt nhất của Coteccons, thì họ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình đối với cổ đông của Ricons, và ngược lại.
Do các lý do nêu trên, Kusto không thể tiếp tục đặt niềm tin vào Hội đồng quản trị và Ban giám đốc hiện tại, đặc biệt là các thành viên điều hành chủ chốt bao gồm ông Nguyễn Bá Dương (Chủ tịch và đại diện pháp luật của Coteccons), ông Nguyễn Sỹ Công (thành viên Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Coteccons), và ông Trần Quang Quân (Phó Tổng Giám đốc).
“Chúng tôi yêu cầu họ ngay lập tức từ chức khỏi tất cả các vị trí trong Coteccons”, Kusto nêu rõ trong thông báo phát đi ngày 2/6.