Hiện nay, với nhu cầu đời sống ngày càng được nâng cao, du khách đang khắt khe hơn nhiều trong việc chọn điểm đến cho mỗi chuyến du lịch. Họ lựa chọn kỹ lưỡng hơn những nơi có dịch vụ trải nghiệm độc đáo và được lên kịch bản một cách bài bản. Họ xem xét lựa chọn những nơi có phòng ngủ chất lượng, đảm bảo nhu cầu nghỉ dưỡng, thư giãn và trải nghiệm văn hóa.
Bên cạnh đó, tôi thấy các chủ homestay, farmstay đang khá dè dặt trong việc đầu tư và coi nhẹ vật liệu hoàn thiện, nội thất của phòng ngủ dẫn đến cảm giác tạm bợ, rẻ tiền cho du khách. Họ chỉ tập trung vào trải nghiệm mà bỏ quên phần nghỉ dưỡng.
Thật ra, bạn chỉ cần đặt mình vào vị trí của khách hàng khi đi du lịch vào farmstay mà phải ngủ trong không gian bằng tôn, aluminum nóng bức, nội thất kém chất lượng; bạn sẽ biết chất lượng vật liệu quan trọng như thế nào! Liệu bạn có thấy vui vẻ và thỏa mãn với số tiền mình đã bỏ ra không? Bạn có thấy mình được chăm sóc và thoải mái không? Và liệu bạn có muốn quay lại một nơi như vậy không?
Những kinh nghiệm về thiết kế phòng ngủ farmstay dưới đây của tôi hy vọng sẽ giúp những bạn trẻ muốn nhảy vào ngành du lịch có tư duy đúng trong việc thiết kế và lựa chọn đơn vị thiết kế farmstay phù hợp.
Từ kinh nghiệm của nhiều năm thiết kế farmstay, tôi nhận thấy các chủ doanh nghiệp thường có 7 sai lầm cơ bản sau khi phát triển các phòng ngủ trong farmstay.
Đầu tư tạm bợ
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng
Tôi nhận thấy một số doanh chủ đầu tư farmstay nhưng có tư duy dùng những vật liệu công nghiệp, rẻ tiền, tạm bợ để tạo ra những phòng ngủ rẻ nhất có thể. Sau đó, đưa nệm, chăn màn vào những không gian này, thế được xem là xong một phòng ngủ.
Các bạn phải hiểu rằng: khi khách hàng tìm đến một farmstay để trải nghiệm và thuê phòng nghỉ dưỡng, thì họ đang mong muốn một trải nghiệm nghỉ dưỡng thoải mái trong phòng ngủ riêng tư. Điều này hoàn toàn khác với việc bạn đầu tư cho thuê lều nghỉ, vì khi khách hàng quyết định thuê lều thì họ đang có những nhu cầu trải nghiệm khác với phòng ngủ; ví dụ như: ngắm mặt trời mọc trên biển, ngủ trên nền cỏ, cát,…
Vậy nên, nếu bạn muốn tạo trải nghiệm nghỉ dưỡng cho khách hàng bằng phòng nghỉ thì nên suy nghĩ nghiêm túc và đầu tư một số tiền phù hợp để tạo ra phòng ngủ đủ tiện nghi. Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc việc thu mua những khung nhà cũ của người dân bản địa và dựng lại nó. Đây cũng là một cách làm giảm chi phí đầu tư mà vẫn truyền tải được văn hóa truyền thống vào trong không gian ngủ.
Sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường
Đa số các khu farmstay tại Việt Nam đang có những thiết kế tác động thô bạo vào hiện trạng tự nhiên và sử dụng những vật liệu không thân thiện với môi trường như bê tông, xi măng, sắt, thép.
Với phong cách của farmstay thì các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường nên được ưu tiên như: tre, nứa, đá, gỗ, lá cây, cỏ,… Nếu chúng ta sử dụng những vật liệu này sẽ tạo không gian mộc mạc, mang lại cảm giác thư thái, được hòa mình vào thiên nhiên.
Còn với những vật liệu bê tông, sắt, thép khi sử dụng vào phòng ngủ sẽ tạo cảm giác thô cứng, công nghiệp cho người sử dụng. Khách du lịch với tâm lý rời xa cái ồn ào, xô bồ của đô thị để đi nghỉ ngơi, được thư giãn nhưng lại phải ở trong phòng ngủ được xây chủ yếu bằng vật liệu công nghiệp thì chắc chắn farmstay sẽ không để lại ấn tượng gì cho du khách; đồng thời du khách cũng không muốn quay lại thêm một lần nữa.
Phòng ngủ trong HanaLand ở Đà Lạt.
Đôi khi, bạn vẫn phải làm móng công trình bằng bê tông thì nên đúc móng trước, sau khi nó đủ cứng rồi mới vận chuyển vào những vị trí đặt móng và xây dựng như bình thường. Lúc đó bạn sẽ không tác động nhiều vào hệ vi sinh vật trong lòng đất như phương pháp đổ bê tông tại chỗ.
Tư duy thiết kế phòng ngủ trong đô thị
Tôi nhận được một số inbox nhờ tư vấn cải tạo phòng ngủ trong farmstay đã được xây dựng theo phong cách phòng ngủ trong đô thị. Những phòng ngủ này mang lại cảm giác đô thị, không phù hợp với phong cách farmstay, nên không có khách nghỉ lại.
Diện tích xây dựng trong đô thị nhỏ nên thường các phòng nghỉ phải tận dụng tối đa diện tích, bị bao bọc bởi những bức tường mà không gần gũi với thiên nhiên. Trong khi farmstay có diện tích lớn, bốn mặt xung quanh được tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên nên chỉ phong cách thiết kế gần gũi với thiên nhiên, sử dụng vật liệu tự nhiên mới là phong cách phù hợp nhất.
Để tìm kiếm hình thức kiến trúc theo phong cách farmstay, bạn nên tìm đến những kiểu nhà truyền thống dân tộc thiểu số để tham khảo vì các kiến trúc này thường làm bằng vật liệu tự nhiên.
Lạm dụng các thiết bị điều hòa nhiệt độ
Một số khu nghỉ dưỡng sử dụng điều hòa một hoặc hai chiều, sử dụng thiết bị sưởi ấm bằng điện dẫn đến việc khi ở trong các phòng nghỉ phải đóng kín cửa. Khi đóng kín cửa thì lượng khí tươi bên ngoài không vào được trong phòng. Họ liên tục phải hít thở khí CO2 mà mình thải ra hoặc đôi khi là vi khuẩn của những người khách trước hắt hơi để lại.
Phòng ngủ trong Bali EcoStay – Indonesia. Ảnh: Internet
Khi đi nghỉ dưỡng, chúng ta luôn luôn muốn được thư thái, thoải mái hít thở không khí trong lành, rời xa những khói bụi thành phố. Vậy mà ta lại phải chui vào những phòng kín cửa, bật điều hòa cả ngày, thì đó không phải là một trải nghiệm nghỉ dưỡng.
Để tạo ra những trải nghiệm nghỉ dưỡng đúng nghĩa thì cần nghiên cứu ứng dụng những vật liệu cách âm, cách nhiệt đối với những khu vực có biên độ nhiệt trong ngày lớn (thường là những vùng núi cao >1000m so với mực nước biển). Ngoài ra, vẫn có thể tăng độ dày của vật liệu tự nhiên để cách nhiệt như: Mái lá nhiều lớp, tường gỗ dày, trình tường…
Công nghiệp hóa xây dựng
Tôi không bác bỏ hay đả kích những ngôi nhà được công nghiệp hóa xây dựng như những bungalow được sản xuất hàng loạt tại nhà xưởng và có giá khoảng 200 triệu. Tôi chỉ đang nêu quan điểm của mình về loại hình nhà này. Chính các bạn mới là người ra quyết định có sử dụng nó hay không.
Loại hình nhà này rẻ hơn vì nó được sản xuất hàng loạt trong nhà máy dẫn đến việc giảm chi phí đầu tư ban đầu cho farmstay. Tuy nhiên, loại hình nhà này mang lại cảm giác giống nhau, na ná với một không gian ở nơi nào đó, không có đặc trưng riêng mang tính bản địa. Farmstay ở mỗi vùng miền khác nhau phải truyền tải được văn hóa tại mỗi địa phương đó, bởi đây chính là lý do khách hàng chọn đến và trải nghiệm.
Với một số farmstay muốn giảm chi phí đầu tư nhờ công nghiệp hóa xây dựng nhưng vẫn đảm bảo yếu tố bản địa thì nên thiết kế phần khung kết cấu chịu lực có thể sản xuất hàng loạt trong nhà máy. Còn tường, vách, mái nên chọn vật liệu bản địa. Phương pháp này cần tính sáng tạo và tư duy giải pháp cao vì liên kết giữa kết cấu công nghiệp và vật liệu địa phương cần được thiết kế – tính toán kỹ lưỡng trong từng trường hợp cụ thể. Nếu bạn xem nhẹ vấn đề này thì chi phí để xử lý sự cố đôi khi tốn nhiều ban đầu.
Phòng ngủ trong Mai Châu Ecolodge – Hòa Bình.
Thiếu bản sắc địa phương trong không gian phòng ngủ
Đại đa số các khu nghỉ dưỡng hiện nay đang bị “Tây hóa”, dẫn đến thiếu bản sắc địa phương, làm giảm năng lực cạnh tranh sản phẩm so với các vùng và các quốc gia khác.
Du lịch trước đây chưa đề cao tính trải nghiệm do nhu cầu của con người chưa cao nên nhiều khu nghỉ dưỡng không mang yếu tố bản địa vẫn sống “khỏe”. Nhưng hiện nay nhu cầu trải nghiệm văn hóa bản địa của du khách dần tăng cao nên những khu nghỉ dưỡng kiểu như vậy sẽ bị giảm dần lượng khách. Vì vậy, khi làm phòng ngủ farmstay, bạn phải mang yếu tố bản địa vào trong đó.
Cách đơn giản nhất là sử dụng hoa văn và vật liệu bản địa để trang trí cho nệm, rèm cửa, hình thức giường, bàn ghế, nền, tường,…
Cứng nhắc trong tư duy thiết kế
Một số khu nghỉ dưỡng đang bê nguyên xi mẫu nhà của dân tộc bản địa, dẫn đến những trải nghiệm nghỉ dưỡng không được trọn vẹn.
Không gian nghỉ dưỡng rất khác với không gian ở truyền thống. Yếu tố nghỉ dưỡng ở đây được đề cao về việc trải nghiệm thiên nhiên, các hướng nhìn đều hướng ra ngoài thiên nhiên. Tuy vậy, nếu ta sử dụng kiến trúc truyền thống của dân tộc bản địa thì không đảm bảo được yếu tố nghỉ dưỡng này.
Ví dụ: những nhà truyền thống bản địa thường không sử dụng vật liệu hiện đại như kính, mica trong. Những vật liệu này nếu được thay thế cho những tấm vách nặng nề thì sẽ tạo ra được trải nghiệm nghỉ dưỡng hòa mình vào thiên nhiên mà vẫn đảm bảo yếu tố bản địa.
Một phòng phòng ngủ đúng mô hình farmstay là phải tạo ra một không gian để nghỉ dưỡng, thân thiện với thiên nhiên và môi trường, truyền tải được yếu tố văn hóa bản địa cho du khách. Ngoài ra, không gian phòng ngủ cũng phải tạo được cảm giác ngủ khác biệt cho du khách và đôi lúc du khách còn học được điều gì đó về văn hóa trong không gian này.
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng hiện đang là Giám đốc thương hiệu tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đại Nam Pharma, làm việc tại DeZicor, founder của fanpage Thiết kế Farmstay, từng là người đồng sáng lập Milimet Vuông.
KTS. Phạm Thanh Tùng