[ad_1]
Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy, hết 4 tháng năm 2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đầu tư vào Việt Nam gần 14,6 tỷ USD, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến đứng đầu, bất động sản đứng vị trí thứ 2.
Trong những tháng đầu năm 2019, bất động sản vẫn đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đăng ký đầu tư mới vào các dự án và mua cổ phần hợp tác với các đối tác trong nước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong 4 tháng qua có khoảng 1,1 tỷ USD được đăng ký rót vào thị trường BĐS, chiếm 7,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 742,7 triệu USD, chiếm 5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Nhiều dự án lớn đã được đăng ký đầu tư như:
-Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
– Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh.
– Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu Sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
– Dự án Vinhtex, tổng vốn đầu tư đăng ký 200 triệu USD do Royal Pagoda Private Limited (Singapore) đầu tư với mục tiêu sản xuất vải và nhuộm vải dệt kim tại Nghệ An.
– Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine, tổng vốn đầu tư đăng ký 170 triệu USD do Universal Alloy Corporation Asia Pte., Ltd (Singapore) đầu tư với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất, gia công và lắp ráp các bộ phận, linh kiện hàng không vũ trụ bằng hợp kim nhôm và composite tại Đà Nẵng.
– Dự án Cao ốc phức hợp – Công ty cổ phần đầu tư Golden Hill (BritishVirginIslands), tổng vốn đầu tư đăng ký 147,5 triệu USD với mục tiêu xây dựng khu nhà ở cao tầng để bán cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về nhà ở tại TP Hồ Chí Minh.
Năm 2018, dòng vốn FDI đổ vào BĐS Việt Nam cũng lên đến hàng tỷ USD. Cụ thể đã có khoảng hơn 6,6 tỷ USD vốn của nhà đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 18% tổng lượng vốn đăng ký.
Các đại dự án bất động sản của nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Indonesia vẫn dẫn đầu trong các phân khúc bất động sản tại Việt Nam.
Một trong những dự án đình đám nhất là Thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội của Tập đoàn Sumitomo Corporatio (Nhật Bản) với Tập đoàn BRG của Việt Nam. Hiện nay vẫn chưa được xây dựng.
Bên cạnh đó là các dự án lớn ở mảng bán lẻ, văn phòng, căn hộ cao cấp như Lotte, Chamvit, Keangnam, Ciputra… Tuy nhiên, bên cạnh các ông lớn, khá nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động vừa và nhỏ vào Việt Nam mua bán các dự án, đăng ký lập dự án nhưng chỉ có lượng vốn nhỏ mang từ nước ngoài vào.
Theo đối tác đầu tư, hiện cả nước có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hồng Kông dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư.
Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư.
Bốn tháng qua, Hà Nội là nơi lượng vốn ngoại đổ vào nhiều nhất với 4,47 tỷ USD, đứng thứ 2 là TP.HCM với 2,37 tỷ USD, Bình Dương đứng thứ 3 với số vốn hơn 1 tỷ USD.
Ba địa phương này chiếm hơn 50% tổng lượng vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong thời gian qua.
Theo Trí Thức Trẻ