[ad_1]
2 tỉ đồng khó đầu tư ở trung tâm TP nhưng vẫn mua được đất lẻ ở Bình Chánh, Nhà Bè
Khi được hỏi, với số tiền 2 tỉ đồng trong tay thì NĐT nên “bỏ tiền” vào khu vực nào để sinh lợi tốt, bà Dung cho rằng, có bao nhiêu tiền đều có thể đầu tư BĐS được. Thậm chí, có 1 tỉ đồng trong tay cũng có thể đầu tư được BĐS nhưng phải biết tìm sản phẩm và khu vực để xuống tiền. “Với 2 tỉ đồng, NĐT khó đầu tư BĐS ở trung tâm nhưng có thể mua đất riêng lẻ của người dân (không phải đất dự án) ở khu vực Bình Chánh, Nhà Bè (Tp.HCM) hoặc các tỉnh giáp ranh TP, riêng đất dự án không còn giá đó.
Bà Dương Thùy Dung cho rằng, ở giai đoạn này đa số các NĐT tìm mức chênh ở loại hình nhà gắn liền với đất. Ảnh: P.N
Theo bà Dung, hiện nay giao dịch đất ngoài dự án cực kì lớn. Và đa số NĐT kiếm được mức lợi nhuận tốt từ dòng sản phẩm này. “Hiện nay, NĐT đầu tư kiếm lời chủ yếu ở loại hình nhà gắn liền với đất. Riêng căn hộ giá bán thứ cấp có tăng nhưng tùy từng dự án, không phải dự án nào cũng tăng giá”, bà Dung cho hay.
Vị Giám đốc cấp cao này cho biết, rất nhiều người cho rằng nguồn cung căn hộ khan hiếm thì giá bán trên thị trường thứ cấp sẽ tăng mạnh, cho nên họ chuyển hướng sang đầu tư căn hộ với hi vọng mức chênh lợi nhuận sẽ cao về sau. “Tuy nhiên, NĐT cũng cần hết sức cẩn trọng vì diễn biến của thị trường hiện tại chưa phải là xu hướng kéo dài. Giá bán trên thị trường thứ cấp sẽ tăng nhưng tăng ở từng dự án. Do đó, nếu kì vọng mua để kiếm lời nhiều ở căn hộ sẽ khó”, bà Dung nhấn mạnh.
Với thị trường hiện nay, theo bà Dung NĐT có thể tham gia lướt sóng và đây là hoạt động rất bình thường trên thị trường BĐS. Có những dự án giai đoạn 2 có thể tăng giá từ 10-12% so với giai đoạn 1 và NĐT hoàn toàn hưởng chênh lệch trong khoảng thời gian ngắn. Với 2 tỉ đồng, bà Dung cho rằng, NĐT có thể dễ dàng lướt sóng như vậy, trả tối đa 50% ở giai đoạn 1 và ra hàng ở giai đoạn 2, 3…
Cẩn trọng với rủi ro khi đầu tư đất nền
Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cảnh báo, không chỉ khu ven mà ở bất cứ khu vực nào khi NĐT bỏ tiền vào đều có thể xảy ra rủi ro nếu thị trường lên xuống bất thường.
Đặc biệt, với những sản phẩm nhà gắn liền với đất khi lợi suất đầu tư cao thì NĐT càng phải cẩn trọng. Đa số ở phân khúc này là mua đi bán lại, nếu may mắn mua được sản phẩm giá thấp thì đó là khoản đầu tư an toàn, còn nếu mua sản phẩm giá cao và tiếp tục kì vọng mức tăng giá cao hơn nữa thì nên xem xét. Bởi theo bà Dung, vì một lý do nào đó mà những yếu tố tác động đến việc tăng giá đất có thể không xảy ra thì NĐT có thể gặp rủi ro về mức lợi nhuận.
Theo bà Dung, NĐT phải cẩn trọng với quyết định đầu tư của mình. Ảnh: Minh họa
Chẳng hạn, rất nhiều NĐT nghĩ khu vực này có đường cao tốc đi qua, có cầu, sân bay được xây nên đổ dồn đi mua đất gần khu vực đó. Nếu may mắn các dự án hạ tầng đó được triển khai thì giá đất gần đó sẽ tăng nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu đường cao tốc không đi vào hướng đó mà đi hướng khác hay dự án cầu không triển khai hoặc thời gian triển khai bị lùi lại 5-6 năm thì dòng vốn của NĐT sẽ như thế nào. Vốn chôn vùi vào đó nhưng mức độ tăng giá không như kì vọng cũng là cách đầu tư không hiệu quả.
“Đầu tư phải chấp nhận rủi ro nhưng NĐT thông minh phải biết được mức độ rủi ro ở mức độ nào, có chấp nhận được hay không”, bà Dung nhắn nhủ.
Hiện nay, tình trạng đẩy giá BĐS trên thị trường cũng chủ yếu diễn ra ở phân khúc nhà gắn liền với đất, đặc biệt ở loại hình đất ngoài dự án. Do đó, các NĐT cá nhân phải hết sức tỉnh táo. Đã có rất nhiều người không có lợi nhuận từ đất nền khi không lường được hết các rủi ro. “Pháp lý dự án là yếu tố rất quan trọng mà NĐT cũng cần lưu tâm khi quyết định xuống tiền ở bất cứ phân khúc nào”, bà Dung nhấn mạnh.
Theo Trí Thức Trẻ