[ad_1]
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hiệp – chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành Xây dựng trong 6 tháng đầu năm?
Tôi cho rằng, ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm thực sự khó khăn. Khó khăn thứ nhất là do Covid-19 khiến các công trường xây dưng phải dừng triển khai. Nhưng khó khăn lớn hơn nữa là xuất phát từ thực tiễn thị trường BĐS khi hàng trăm dự án bị ách tắc do các thủ tục liên quan đến pháp lý.
Nếu như năm 2019 số lượng dự án gối đầu các doanh nghiệp ngành xây dựng giảm 20-30% thì bước sang năm 2020, lượng công việc gối đầu giảm đến 50%. Nhiều doanh nghiệp xây dựng nhỏ không có việc làm, thậm chí doanh nghiệp lớn từng một thời có tên tuổi trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Đây thực sự là điều báo động cho các doanh nghiệp ngành xây dựng.
Về tình hình sản xuất kinh doanh của một số ông lớn ngành xây dựng trong 6 tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào?
Công ty CP Xây dựng Coteccons – doanh nghiệp xây dựng lớn nhất cả nước cũng không nằm ngoài tình cảnh chung ảm đạm của thị trường khi quý I/2020, Công ty ghi nhận mức doanh thu thuần đạt 3.554 tỷ đồng, giảm hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm 35% về mức 123 tỷ đồng. Doanh thu quý I/2020 giảm là do những khó khăn chung của ngành xây dựng bên cạnh đó là những tác động của cuộc nội chiến giữa các cổ đông trong công ty.
Ông lớn thứ hai trong ngành là Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết mức lợi nhuận thấp kỷ lục trong quý đầu năm nay. Cụ thể, Công ty ghi nhận lợi nhuận đạt 5,5 tỷ đồng, giảm hơn 95% so với mức 120 tỷ đồng trong quý I/2019. Lợi nhuận của Công ty giảm sâu do doanh thu giảm 34% so với cùng kỳ 2019, xuống mức 2.442 tỷ đồng.
Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ khác trong ngành xây dựng cũng đang ghi nhận kết quả kinh doanh giảm sút mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh khó khăn chung, câu chuyện mâu thuẫn nội bộ tại Coteccons đã tác động thế nào đến tâm lý toàn ngành? Đứng ở góc độ là chủ tịch Hiệp hội nhà thầu, ông có cái nhìn thế nào về cuộc tranh chấp giữa các cổ đông của Coteccons?
Coteccons là doanh nghiệp xây dựng lớn nhất tại Việt Nam. Đây là nhà thầu gắn với những kỳ tích xây dựng tại hàng loạt công trình lớn như tòa nhà chọc trời Landmark 81, Hồ Tràm….
Sự việc ồn ào giữa các cổ đông nội bộ của Coteccons là việc rất đáng suy nghĩ. Tôi cho rằng, chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam rất tốt, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cần có những biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong nước. Tránh việc các nhà đầu tư nước ngoài tìm mọi cách thâu tóm các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng cần có cơ quan hòa giải cho hai bên, xem xét bên nào đúng bên nào sai. Sau đó có biện pháp hòa giải, tránh những mâu thuẫn ngày càng bị đẩy lên đỉnh điểm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của Coteccons, thậm chí cả quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài tại Coteccons cũng chịu thua thiệt.
Xung đột nội bộ tại Coteccons đã khiến nhiều chủ đầu tư e ngại, không muốn hợp tác thi công, giao dự án cho Coteccons xây dựng. Điều này đang ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm của 1.800 kỹ sư và hơn 30.000 công nhân khi các chủ đầu tư không còn tin tưởng và giao dự án
Theo dự báo của các chuyên gia, 6 tháng cuối năm thị trường BĐS sẽ có nhiều khó khăn, đối với ngành xây dựng ông đánh giá thế nào về tình hình 6 tháng cuối năm?
Tôi cho rằng, thị trường BĐS sẽ tiếp tục còn khó khăn trong năm nay. Chính vì vậy ngành xây dựng cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Các doanh nghiệp Xây dựng cần tái cơ cấu và chuẩn bị các phương án tài chính để đối mặt với khó khăn ít nhất trong 6 tháng sắp tới.
Ông có đề xuất gì với Chính phủ để hỗ trợ ngành xây dựng phục hồi và phát triển?
Trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường BĐS, doanh nghiệp Xây dựng không có việc làm. Tôi đề xuất, Chính phủ phải có biện pháp hỗ trợ như giảm thuế cho doanh nghiệp, chưa áp dụng chính sách đóng bảo hiểm xã hội cho lực lượng công nhân thời vụ bởi đây sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp xây dựng khi số lượng công nhân thời vụ tại các công trình chiếm 60-70% lực lượng lao động.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần có quy định về cơ chế chính sách cho vấn đề nợ đọng xây dựng bằng các cơ chế cụ thể. Ví dụ phải có xác nhận thanh toán cho nhà thầu mới được đưa công trình vào sử dụng, hoặc phải có bảo lãnh thanh toán cho chủ đầu tư ở giai đoạn cuối. Những biện pháp này sẽ bắt buộc các chủ đầu tư thanh toán nợ cho nhà thầu, không để tình trạng, công trình đã xây dựng xong cả năm trời nhưng nhà thầu không đòi được nợ.
Đặc biệt, Hiệp hội cũng kiến nghị các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng được đối thoại với Thủ tướng, về những khó khăn vướng mắc của ngành.
Xin chân thành cảm ơn ông!