[ad_1]
Trong bối cảnh dịch Covid-19 làm lộ rõ rủi ro của việc tập trung sản xuất ở Trung Quốc, thị trường bất động sản Việt Nam có thể hưởng lợi lần hai từ làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất của các công ty toàn cầu. Trước đại dịch Covid-19, Việt Nam đã trở thành điểm đến thay thế hấp dẫn của các doanh nghiệp đang tháo chạy khỏi công xưởng của thế giới, Trung Quốc, vì lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Theo giới phân tích, thị trường bất động sản khu công nghiệp và nhà ở tại Hà Nội, TP HCM sẽ có thêm động lực tăng trưởng trong thời kỳ hậu Covid-19.
“Sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến nhiều công ty phải đánh giá lại chiến lược chuỗi cung ứng. Và Việt Nam có khả năng được hưởng lợi”, theo Sunny Hoang Ha, Giám đốc bán hàng tại SPG Land Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn điều hành Greenland Hong Kong Holdings.
Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tại Hà Nội và Hải Phòng tăng 2% so với cuối năm 2019 lên trung bình 72% trong quý I năm nay, theo JLL. Còn theo PropertyGuru, làn sóng “di cư” dự kiến của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nhà ở tại đây.
Tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp tại Hà Nội và Hải Phòng tăng 2% so với cuối năm 2019 lên trung bình 72% trong quý I năm nay. Ảnh: SCMP.
“Khi tới Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ cần chỗ ăn ở cho cả chuyên gia nước ngoài và công nhân. Khi đó, nhu cầu sẽ tăng ở phân khúc bất động sản nhà ở. Giá nhà ở sẽ tăng lên”, ông Jeremy Williams, Giám đốc kinh doanh tại PropertyGuru, đơn vị vận hành trang Batdongsan.com.vn, cho hay.
Tháng 4, chính phủ Nhật Bản công bố quỹ 2,2 tỷ USD nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất rời Trung Quốc sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn vì lệnh phong tỏa của Bắc Kinh. Không chỉ Nhật Bản, giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu cũng cho biết họ sẵn sàng giảm phụ thuộc sản xuất vào các quốc gia khác.
Giới chuyên gia đang theo dõi xem liệu động thái mới nhất của các chính phủ này có “châm ngòi” cho một đợt di chuyển ồ ạt của các nhà sản xuất tới Việt Nam và khu vực khác hay không. Hiện Apple, Nintendo, Samsung và nhiều nhà cung cấp tại châu Á của các doanh nghiệp này đã chuyển một phần dây chuyển sản xuất hoặc lắp ráp về Việt Nam.
“Tư duy về chuỗi cung ứng khoanh vùng nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào một cơ sở sản xuất duy nhất sẽ thúc đẩy làn sóng dịch chuyển này. Việt Nam hưởng lợi nhờ sự tương đồng với Trung Quốc cũng như sở hữu nguồn lao động lành nghề và có kỷ luật nhưng với chi phí chỉ bằng một phần của Trung Quốc”, ông Williams nêu. Ngoài ra, những phản ứng của Việt Nam với đại dịch Covid-19 cũng được thế giới ca ngợi như là một mô hình hiệu quả và tốn ít chi phí.
Với EXS Capital, một quỹ đầu tư tư nhân ở Hong Kong, Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên. Quỹ này đang đầu tư vào SonKim Land, một nhà phát triển bất động sản hạng sang với 5 dự án nhà ở tại TP HCM. Hệ thống đường sắt mới ở Hà Nội và TP HCM, dự kiến bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay và 2021, sẽ khiến hai thành phố càng thêm hấp dẫn với nhà đầu tư.
“Nhiều dự án nhà ở gần tuyến Metro đang được bán khá tốt. Khi tuyến đường sắt này đi vào vận hành, giá nhà ở được dự báo lên cao hơn”, theo Andy Han Suk Jung, CEO của SonKim Land. Trong khi đó, Kenny Law, giám đốc kinh doanh bất động sản nhà ở quốc tế tại Savills, cho rằng đầu tư vào quận trung tâm sẽ là một lựa chọn tốt và ổn định trong thời gian tới.