[ad_1]
Trong bối cảnh hiện nay, câu chuyện bán gấp khách sạn, nhà phố kinh doanh không phải là chuyện lạ. Hàng loạt động thái rao bán khách sạn, nhà phố tại khu vực trung tâm đã xuất hiện liên tục khoảng gần tháng nay, nhất là trong giai đoạn mà nhiều NĐT không thu được đồng nào từ việc cho thuê.
Theo Tổng cục Thống kê, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3 giảm mạnh 63,8% so với tháng trước và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung ba tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách từ hầu hết các thị trường đều giảm, duy khách nước ngoài đến từ châu Phi lại tăng 2% so với cùng kỳ.
Trao đổi với chúng tôi mới đây, Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, một đơn vị chuyên tư vấn M&A bất động sản, về thị trường chuyển nhượng tài sản như các dự án BĐS du lịch, khách sạn, tòa nhà văn phòng, khối căn hộ cho thuê, mặt bằng bán lẻ cho biết, kinh doanh không hiệu quả buộc doanh nghiệp phải tái cấu trúc công ty. Trong đó có việc bán bớt một số danh mục đầu tư mà các doanh nghiệp này đang sở hữu nhằm giúp công ty vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Ông Cần cũng cho biết, loại hình tài sản mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm và thông qua Sohovietnam để tìm kiếm trên thị trường hiện nay là các tài sản, dự án đang gặp khó khăn.
“Họ ưu tiên các tài sản đã xây dựng xong thuộc lĩnh vực khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tổng số tiền mà các nhà đầu tư đặt hàng hiện lên đến khoảng 8.000 đến 10.000 tỉ đồng để tìm kiếm các tài sản giá rẻ này”, ông Cần cho biết
Theo số liệu đơn vị này phân loại, các khách sạn quy mô khoảng 100 đến 500 phòng được quan tâm ở thị trường Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hội An, Hạ Long, Huế, Quy Nhơn, Vũng tàu; Còn ở những thị trường nhiều KCN như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng thì các nhà đầu tư quan tâm nhiều tới loại hình khách sạn nhỏ hoặc căn hộ cho chuyên gia thuê quy mô 100 đến 200 phòng.
Cũng theo ông Cần, trong bối cảnh “tiến thoái lưỡng nan” này thông thường người mua có lợi thế hơn người bán. Chính vì thế, các tài sản mà các nhà đầu tư đặt hàng thường có mức định giá thấp hơn khoảng 20-30% so với mức rao bán của người bán.
Trong báo cáo mới đây của Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng nêu rõ, trong bối cảnh tín dụng siết chặt cộng hưởng với không bán được sản phẩm do dịch bệnh đã xuất hiện dấu hiệu tìm kiếm nhà đầu tư của các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính để chào mời, chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án.
Theo các chuyên gia, thị trường đang xuất hiện những hiện tượng rõ nét dần khi mà nhiều người nghĩ đến cảnh thắt lưng buộc bụng, bán tháo tài sản vì không duy trì được hoạt động do ảnh hưởng của Covid-19, thì một số người lại nhanh tay “vớt” những tài sản này để chờ cơ hội thăng hoa sau khi dịch kết thúc.
Trong bối cảnh nguồn cung bán ra dồi dào thì cơ hội để lựa được sản phẩm tốt, giá hợp lý sẽ thuộc về người mua. Không có vài chục tỷ đồng mua lại toàn bộ khách sạn dân kinh doanh đón sóng bằng cách tìm mua lại quyền vận hành các khách sạn ế ẩm mùa dịch. Việc này vừa giảm thiểu chi phí, lại giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư có ít vốn.
Theo nhận định, dù hiện tại chưa có làn sóng giảm giá sâu ở loại hình này khi bán ra nhưng giá hợp lý sẽ được CĐT/NĐT cân nhắc vì lúc khó khăn, thường yếu tố bán nhanh sẽ ưu tiên hơn yếu tố giá. Đặc biệt, những NĐT đang nợ ngân hàng hay kẹt vốn, hay cần tiền gấp…thường sẽ đẩy sản phẩm với giá tốt để có thể thu dòng tiền sớm. Theo các chuyên gia, trong thời điểm khó khăn lại là cơ hội cho những người có tầm nhìn dài hạn, nhanh tay nắm bắt cơ hội.