[ad_1]
Doanh nghiệp BĐS đặt trạng thái “ngủ đông” để hồi phục?
Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp BĐS đã kích hoạt chế độ “ngủ đông” và một số lời khuyên đưa ra là doanh nghiệp nên “ngủ đông” để sẵn sàng bật dậy và tăng tốc qua thời điểm khó khăn chung.
Mới đây, đại diện CEO Group cho biết, doanh nghiệp đã kích hoạt nút “ngủ đông” từ nhiều tuần trước. Theo đó, Tập đoàn này đã cấu trúc lại hệ thống, cắt giảm các chi tiêu không cần thiết, thiết lập danh mục công việc ưu tiên.
Tương tự, Sun Group cũng đã quyết định bước vào giai đoạn “ngủ đông” khi chấp nhận tạm thời đóng cửa những khu vui chơi giải trí ở Sa Pa, Hạ Long và Phú Quốc trong thời gian ngắn, hoặc cho đến khi có thông báo mới.
Công ty CP Vinpearl cũng đã đóng cửa tạm thời 7 khách sạn ở Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An và Phú Quốc.
Một số doanh nghiệp kích hoạt chế độ “ngủ đông” trước bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
Bên cạnh đó, khá nhiều công ty hoạt động trong lĩnh vực BĐS du lịch cũng bước vào thời kì “ngủ đông” bởi hơn 2 tháng bùng phát dịch Covid-19, lĩnh vực này chịu ảnh hưởng trực tiếp nặng nề.
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết, lượng lưu trú khách sạn giảm 60%, số lượng du khách giảm hai con số, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm ngừng hoặc thu hẹp hoạt động.
Thống kê từ Grant Thornton Việt Nam cũng ghi nhận, công suất phòng của các khách sạn ở Hà Nội, TP.HCM đã bị giảm từ 20% – 50%. Các điểm đến nghỉ dưỡng trọng điểm như Sapa, Đà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang, Vịnh Hạ Long đều ghi nhận sụt giảm khoảng 50% công suất so với trước khi dịch xảy ra.
Có thể nói trong giai đoạn hiện nay, ngành BĐS du lịch vừa phải gồng mình chống dịch, vừa giải quyết các tình huống phát sinh và tìm kiếm các giải pháp củng cố thị trường khách nội địa và tích trữ năng lượng cho giai đoạn “ngủ đông” để chờ hồi phục trong thời gian tới.
Các chuyên gia cho rằng đây là giai đoạn “ngủ đông” nhưng cần tích trữ năng lượng để bung sức phục hồi.
Ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch TTC cho rằng, ở bối cảnh hiện nay doanh nghiệp “ngủ đông” là cần thiết. Ngủ đông là trạng thái hạ thân nhiệt có điều hòa ở động vật để giảm mức trao đổi chất, tiết kiệm năng lượng. Các hoạt động cơ thể, bao gồm thở, nhịp tim, thân nhiệt và quá trình trao đổi chất đều giảm xuống. Hiện tượng này xảy ra trong vài ngày hoặc hàng tuần giúp cho động vật tiết kiệm năng lượng trong mùa đông, hoặc qua đêm băng giá trên núi cao. Doanh nghiệp lúc gặp khó khăn cũng tương tự vậy.
Có 5 lý do để doanh nghiệp “ngủ đông”. Thứ nhất, doanh thu giảm sút hoặc không có. Thứ hai, biến phí giảm do doanh thu giảm nhưng định phí vẫn giữ nguyên khiến mất cân đối thu và chi. Thứ ba, lợi nhuận âm và doanh nghiệp phải lấy quỹ dự phòng để duy trì dòng tiền. Thứ tư, doanh nghiệp cần tồn tại qua khủng hoảng, mất thanh khoản, mất vốn là mất hết. Thứ năm, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn lực để phục hồi sau khủng hoảng, thiếu nguồn lực thì mất cơ hội.
Theo ông Hồng Anh, doanh nghiệp chuyển sang trạng thái ngủ đông bằng cách cắt giảm chi phí không phải vì tình trạng tài chính của doanh nghiệp không ổn, mà đó là cách ứng phó với việc giảm sút nguồn thu và cân bằng thu chi, không có thu thì giảm chi. Lúc này, uy tín thương hiệu vẫn quan trọng nhưng sự tồn tại và phục hồi nhanh sau khủng hoảng mới là điều quan trọng nhất.
Doanh nghiệp làm gì để vực dậy?
Đại diện CEO Group từng nhấn mạnh, “ngủ đông” là doanh nghiệm tạm nghỉ để cơ cấu lại và sẵn sàng bật dậy và phát triển sau đó.
Theo doanh nghiệp này, trong khi tạm hoãn các kế hoạch mở bán BĐS hoặc những hoạt động đông người, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đền bù và giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo trì công trình…, đồng thời dành thời gian này cho đào tạo thực tập sinh điều dưỡng và sinh viên ngành du lịch. Đây cũng là thời gian, theo vị đại diện này, Ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng như mọi cán bộ nhân viên phải suy nghĩ, học hỏi để tìm ra các cách thức, lĩnh vực, sản phẩm, dịch vụ mới để tập đoàn chủ động trong cuộc chơi thách thức hơn.
Ông Huỳnh Ngọc Châu, Tổng giám đốc Á Châu Land cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhìn chung thì đang chững lại. Mỗi doanh nghiệp có mỗi phương án khác nhau để đối phó. Với doanh nghiệp mình, ông Châu cho biết vẫn theo đúng kế hoạch sản phẩm chiến lược và hoạt động kinh doanh bình thường nhưng cũng từng bước để cố gắng vượt qua giai đoạn thử thách này.
Một số doanh nghiệp đang cơ cấu lại hoạt động và tính đến phương án cắt giảm các chi phí không cần thiết. Ảnh: Minh họa
Theo ghi nhận, với các doanh nghiệp BĐS hiện tại bên cạnh nhiều ý kiến lo lắng thì cũng nhiều người rất lạc quan. Các doanh nghiệp có những ứng phó để tiến độ dự án cũng như mọi hoạt động liên quan vẫn đáp ứng đúng kì vọng của khách hàng. Doanh nghiệp khuyến cáo, bản thân khách hàng phải là người tự bảo vệ mình, không nên hoang mang ảnh hưởng đến tình hình chung của thị trường.
Theo ghi nhận, tại các dự án công trình BĐS các hoạt động vẫn diễn ra bình thường với điều kiện công nhân được trang bị khẩu trang. Hiện, nhiều công trình trên địa bàn khu vực phía Nam vẫn đang tiếp tục được triển khai, đảm bảo tiến độ giao nhà cho khách hàng.
Ông Văn Dũng Chinh, Chủ tịch CLB BĐS Nha Trang – Khánh Hòa cho biết, hiện nay doanh nghiệp khó để đưa ra giải pháp gì bởi dịch bệnh đang khiến chính họ phải tìm ra bài toán duy trì và cầm cự. Quan trọng nhất là người dẫn đầu như thế nào? Và thực tế cho thấy, Chính phủ đang làm rất tốt. Nhiệm vụ trọng tâm là chặn dịch, phòng dịch. Sau đó mới là phương án hỗ trợ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải qua được đại dịch này bởi ảnh hưởng của dịch là toàn cầu, bài toán tâm lý rất khó giải quyết.
Theo ông Chinh, điều mà phía doanh nghiệp mong muốn là giảm nợ, hoãn nợ thêm thời gian về thuế, về bảo hiểm xã hội, tiền điện nước, tiền mặt bằng. Vì doanh thu giảm tới hơn 1 nửa thì họ chưa có tiền để trang trải. Nếu khoản nợ dồn dập, khó lòng doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Vị này cho hay, nếu dịch kết thúc vào tháng 10, thì khả năng nền kinh tế, BĐS, du lịch phục hồi sau đó đến năm 2022. Độ trễ của nó phải 12 tháng nữa để phục hồi hết. Nhưng nếu dịch mà không chấm dứt trước mùa đông thì không biết điều gì xảy ra.
Rõ ràng, ngành BĐS nghỉ dưỡng chịu nhiều tác động tiêu cực hơn so với các phân khúc còn lại. Theo các chuyên gia, không còn giải pháp nào tốt hơn việc có hướng đi mới, xác định thị trường nội địa là hướng ưu tiên hàng đầu. Để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam. Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS cũng rất cần những động thái hỗ trợ từ chính phủ, chẳng hạn như giảm thuế, miễn khoản đóng bảo hiểm xã hội, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc, giảm tiền sử dụng đất, giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ…