[ad_1]
Năm 2019, cả thị trường BĐS phải trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có khi nguồn cung khan hiếm, thị trường ách tắc trên toàn bộ phân khúc, nguồn cung cũ bị đẩy giá quá cao khiến cho lượng giao dịch bị giảm đi đáng kể so với năm 2018. Trong bối cảnh này, hàng trăm doanh nghiệp BĐS chật vật vì không có sản phẩm cung ứng ra thị trường, tình hình kinh doanh thua lỗ, cạn kiệt nguồn lực, không còn đủ chi phí hoạt động và thâm chí là phải giải thể.
Theo số liệu thống kê từ Cục Đăng ký quản lý kinh doanh Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019 ngành kinh doanh bất động sản ghi nhận 598 doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động. Bất động sản cũng là ngành có tỷ lệ công ty giải thể cao (686 doanh nghiệp), tăng 39,4% so với cùng kỳ năm 2018. Như vậy, thị trường đã ghi nhận có hơn 700 doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chưa lâu… đã phải giải thể.
Tuy nhiên, bấy nhiêu thôi vẫn chưa thể hiện đầy đủ những khó khăn, thách thức mà hiện nay thị trường BĐS phải đối mặt. Trong đó, một thực tế phũ phàng khác đó là hàng trăm nhân viên đang làm việc tại các công ty BĐS vừa và nhỏ tại Tp.HCM tiết lộ họ đã bị nợ lương nhiều tháng liền. Ngoại trừ 1 một số doanh nghiệp lớn có nguồn lực tài chính đủ mạnh thì không ít doanh nghiệp mới gia nhập thị trường lao đao vì thiếu kinh phí nuôi quân, cạn kiệt kinh phí cho các hoạt động truyền thông.
Anh Lê N.V., nhân viên làm việc tại một công ty BĐS tại Tp.HCM với thâm niên 5 năm cho biết chưa bao giờ anh thấy công ty rơi vào giai đoạn khủng hoảng như hiện nay. Anh V. tiết lộ rằng chỉ trong năm 2019 đã có hơn 1/3 nhân viên xin nghỉ vì bị chậm trả lương, thậm chí là nợ lương nhiều tháng liền.
Được biết, trước đây cứ mỗi quý nhân viên công ty này sẽ được tăng 1 bậc lương, mỗi mùa Tết sẽ được thưởng đậm nhưng Tết Canh Tý năm nay thì tất cả mọi người đều thất thu. Bản thân anh V. cũng bị công ty xin khất lương từ tháng 11, hứa sau Tết sẽ trả nhưng đến nay lại tiếp tục bị nợ do ảnh hưởng bởi dịch Corona.
Tương tự, chị Nguyễn T.H., một nhân viên truyền thông tại công ty kinh doanh về đất nền cũng cho biết công ty nơi chị làm việc đang đuối sức dần. Ban lãnh đạo kiệt quệ tài chính vì cả năm phải gồng mình lên gánh lỗ. Chị H. cho biết một năm qua công ty phải dùng số vốn vay ngân hàng để duy trì hoạt động. Thế nhưng trong bối cảnh nguồn vốn cũng bị siết chặt như hiện nay, chị H. lo lắng rằng công ty sẽ không thể trụ lại lâu dài trong thị trường.
“Nhân viên công ty tôi cũng bị nợ lương nhiều tháng nay. Tuy nhiên, mọi người đều cố gắng động viên các anh chị trong ban lãnh đạo chứ không ai gây áp lực hay đòi hỏi quyền lợi quá nhiều. Vì tất cả chúng tôi đều hiểu đây là thời điểm quá khó khăn chứ không ai muốn như vậy cả. Tôi hy vọng hết dịch, thị trường sẽ ổn định trở lại chứ cứ thế này chắc phải chuyển nghề”, chị H. thở dài.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM báo cáo tổng hợp các đề xuất của hiệp hội nhằm tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi và phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân.
Theo ông Châu, dịch Covid-19 đang tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc tế và trong nước, làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS) mà trước hết là BĐS nghỉ dưỡng.
Vì vậy, Hiệp hội đề nghị UBND TP đề xuất Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh về việc cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế… để giúp một số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng pháp luật nhưng đang gặp khó khăn.