[ad_1]
Thưa ông, hiện nay có những dòng vốn đang đổ vào thị trường bất động sản?
Thị trường bất động sản đang thu hút 5 dòng vốn chính là vốn vay ngân hàng, vốn FDI, vốn tư nhân, trái phiếu, dòng vốn Fintech.
Trong đó, nguồn vốn tín dụng dành cho bất động sản tăng đều. Theo số liệu tháng 10/2019, vốn dành cho vay trong hoạt động xây lắp có tổng dư nợ 800.000 tỷ đồng, tăng 8,5%; cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng 5,5%, cho vay mua nhà, sửa nhà tăng 19,6%.
Về nguồn vốn từ tư nhân, 11 tháng đầu năm có 16 nghìn doanh nghiệp xây lắp thành lập mới, tăng 2%; 7,3 nghìn doanh nghiệp bất động sản thành lập mới, vốn tăng 27,5%.
Về vốn FDI, tổng cả hai dòng vốn đăng ký mới và góp vốn 4,8 tỷ USD (chiếm 15% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam).
Về trái phiếu doanh nghiệp, tổng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 11 tháng 237.000 tỷ đồng, tăng 6% cùng kỳ 2018; trong đó doanh nghiệp bất động sản là 71.000 tỷ đồng.
Về Fintech, đây cũng có thể là một kênh thu hút vốn cho bất động sản vì Fintech hiện chủ yếu là thanh toán, nhưng trong tương lai, sẽ có những Fintech huy động vốn cộng đồng để đầu tư vào bất động sản hoặc góp phần tạo hệ sinh thái bất động sản.
Ông có thể nói rõ hơn về dòng vốn Fintech đang đổ vào thị trường bất động sản?
Fintech trong bất động sản là việc các chủ đầu tư sử dụng các ứng dụng công nghệ (Blockchain) trong thanh toán, đầu tư bất động sản. Chúng ta có thê hiểu đơn giản Fintech – là ứng dụng thanh toán, đầu tư tài chính tích hợp trong công nghệ. Hiện nay, dòng vốn từ Fintech vào thị trường bất động sản không nhiều nhưng là một kênh rất tiềm năng để nghiên cứu phát triển trong tương lại ở 3 khía cạnh.
Thị trường đang chứng kiến sự thâm nhập mạnh mẽ của Fintech trong lĩnh vực bất động sản. Các công ty Fintech hứa hẹn sẽ giúp cho việc mua, bán nhà trở nên hiệu quả hơn so với phương thức mua bán truyền thống nhiều lần.
Sự có mặt của Fintech với các trang web và ứng dụng bất động sản cung cấp thông tin minh bạch về các dự án giúp cắt giảm số lượng lớn người trung gian trong hàng loạt các giao dịch, giúp cho quá trình mua, bán diễn ra nhanh hơn, dễ dàng hơn và với chi phí thấp hơn.
Bên cạnh đó Fintech cũng là một kênh đầu tư trong tương lai của thị trường bất động sản. Nhà đầu tư có thể đầu tư bất động sản thông qua các quỹ liên kết với Fintech.
Thứ nhất, Fintech rất tốt về mặt công nghệ vì vậy các chủ đầu tư có thể phát triển thành hệ sinh thái trong phân phối, thanh toán.
Thứ hai, Fintech là kênh huy động vốn. Nếu chúng ta làm tốt chúng ta sẽ huy động được một nguồn vốn lớn từ cộng đồng để đầu tư thông qua các quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Chính vì vậy, song song với Fintech cũng phải phát triển đến các quỹ đầu tư tín thác bất động sản.
Hiện nay, tại Việt Nam đã có một số chủ đầu tư bất động sản tiên phong kết hợp với các công ty Fintech để trở thành hệ sinh thái cho những nhà đầu tư.
Như vậy, Fintech trong bất động sản là xu hướng của tương lai, thưa ông?
Đúng vậy, đây là kênh đầu tư rất thú vị của tương lai. Cả Việt Nam và nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu theo hướng này. Việc đưa Fintech vào bất động sản mang lại lợi ích cho khách hàng lẫn chủ đầu tư. Khi nền tảng công nghệ ứng dụng với thanh toán trực tuyến sẽ tạo ra những ứng dụng bán hàng thiết thực. Khi đó sẽ giản lược được khâu môi giới, giảm thời gian tiếp cận, chi phí giao dịch gần như thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo mức an toàn nhất. Đặc biệt, tốc độ giao dịch cực kỳ nhanh, tạo ra một hệ sinh thái xung quanh sản phẩm bất động sản.
Tại Việt Nam, tôi biết có một số chủ đầu tư đang đi tiên phong trong việc đưa Fintech vào bất động sản, Họ đang xây dựng một hệ sinh thái xoay quanh sản phẩm và Fintech trở thành một kênh đóng góp quan trọng cho hệ sinh thái đó.
Đúng là Fintech trong bất động sản triển vọng rất lớn, nhưng người dân Việt Nam dường như vẫn còn e ngại với thanh toán không dùng tiền mặt, thưa ông?
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen tiêu dùng tiền mặt. Vì vậy, muốn thuyết phục người dân phải có hạ tầng công nghệ thông tin khá ổn định và đảm bảo để trong quá trình triển khai không có sự cố đáng tiếc xảy ra.
Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, kể cả người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Đặc biệt, cũng cần có những chính sách tốt để khuyến khích khách hàng tham gia mua các sản phẩm bất động sản, đầu tư qua hệ sinh thái Fintech bất động sản.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng. Khách hàng đòi hỏi ngày một cao hơn, các sản phẩm phải mang lại trải nghiệm tốt hơn. Theo ông, các doanh nghiệp BĐS tại Việt Nam đã sẵn sàng thay đổi?
Hiện nay tôi biết một số doanh nghiệp BĐS lớn ở Việt Nam nhập cuộc cách mạng 4.0, họ đã xác định thay đổi mô hình kinh doanh, văn hoá kinh doanh số.
Việc đưa cách mạng 4.0 hay Fintech vào bất động sản nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thử thách, song dù muốn hay không, thì “con tàu” 4.0 vẫn đang đi, không chờ ai. Vậy chúng ta “lên tàu” để sớm tạo lợi thế cạnh tranh và vị thế mới, hay chần chừ, đứng lại và đối mặt với nguy cơ tụt hậu?.
Xin cảm ơn ông!