[ad_1]
“Mỏ vàng” từ biệt thự cổ
Trên thực tế, từ vài năm nay, tình trạng biệt thự cổ xuống cấp, biến dạng hay bị cơi nới, xây thêm đang diễn ra tràn lan, điển hình tại các phố như Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học,… Ở nhiều ngôi biệt thự cổ, người dân vì nhu cầu sinh hoạt đã phải sửa chữa, phá một phần các ngôi biệt thự này khiến tình trạng xuống cấp ngày càng nhanh chóng, các đường nét kiến trúc cũng bị phá hủy.
Đa số biệt thự đều nằm trên các trục đường lớn, có giá thị trường lên đến cả tỷ đồng/m2 nên những biệt thự có 1 chủ sở hữu thường được cơi nới, xây dựng tối đa diện tích. Không ít ngôi biệt thự cũ bị biến dạng cả về hình dáng kiến trúc bên ngoài và mục đích, công năng sử dụng.
Với đặc điểm nhà cổ, sân vườn rộng rãi, nhiều biệt thự được xếp hạng được cho thuê để làm thành nhà hàng, quán bia.
Trong quá trình cải tạo, sửa chữa những biệt thự cổ không khỏi bị biến dạng, méo mó. Ghi nhận tại “tổ hợp” biệt thự cải tạo thành quán ăn tại số 51, 51A, 55 Hàng Chuối (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) các công trình đều được cơi nới dàn thép tạo mái che sân cho nhà hàng.
Phía bên trong, nhiều ô cửa sửa chữa thay thế, có những mảng tường khoét trơ phần gạch để… trang trí.
Trong khi đó, 2 biệt thự 51, 55 đều là biệt thự theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ trên địa bàn Hà Nội được xếp vào biệt thự nhóm 2, gồm những biệt thự có giá trị về kiến trúc. Theo Quy chế này, việc bảo trì nhà biệt thự nhóm 2 có sự thay đổi về màu sắc, vật liệu phải được Sở Quy hoạch Kiến trúc chấp thuận. Nếu cải tạo phải xin giấy phép xây dựng, chủ đầu tư phải đảm bảo giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc bên ngoài và quy hoạch của nhà biệt thự cũ (mật độ xây dựng và số tầng, độ cao).
Ở biệt thự 68 – 70 Thợ Nhuộm (quận Hoàn Kiếm); 187 Bà Triệu… còn xảy ra khiếu kiện, tranh chấp liên quan đến sở hữu và cơi nới biệt thự. Như ở số nhà 68 – 70 Thợ Nhuộm, chủ nhà đã tự ý dỡ bỏ mái và một số bức tường, thay đổi công năng thành nhà hàng, phá bỏ nhà vệ sinh chung, tự ý chặt hạ cây xanh… Sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hậu quả. Việc tự ý phá dỡ và tự ý tu sửa lại hai căn biệt thự này diễn ra trong một thời gian rất dài, song các cơ quan chức năng không xử lý triệt để.
Đặc biệt, một số biệt thự được cấp phép xây dựng lại nhưng nội dung cấp phép “lạ”. Đơn cử như biệt thự 53 Hàng Chuối, tuy là biệt thự nhóm 3 có khuôn viên. Nhưng theo quan sát tại công trường, biệt thự này đã đào móng làm hầm gần như toàn bộ diện tích. Trong khi đó, theo quy định, chỉ được phép xây dựng trên diện tích nhà ở có sẵn.
Chính quyền phớt lờ biệt thự?
Để làm rõ thông tin về giấy phép xây dựng phá dỡ, xây mới nhà biệt thự ở 53 Hàng Chuối, cùng với loạt biệt thự cải tạo làm quán bia ở 51, 51A, 55 Hàng Chuối, PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc nhưng không có hồi âm. Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ (quận Hai Bà Trưng) Dương Tuấn Anh thông tin, đã phản hồi bằng văn bản báo.
Tuy nhiên, từ đó đến nay hơn nửa tháng vẫn chưa thấy văn bản ông Tuấn Anh nói. Về phía UBND quận Hai Bà Trưng, ông Nguyễn Tiến Quang, Trưởng Phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cũng không cung cấp được giấy phép xây dựng của công trình này.
Là địa bàn có nhiều biệt thự cổ, lâu nay phường Phạm Đình Hổ vẫn là “điểm nóng” về trật tự xây dựng liên quan đến các biệt thự xây dựng trước năm 1954.
Trong đó có phản ánh của người dân về nhà số 7, ngõ 2, phố Hàng Chuối, vốn là biệt thự nhóm 3 nhưng bị phá dỡ và thay vào đó là một tòa nhà 7 tầng. Tòa nhà được cấp phép xây dựng quy mô 7 tầng, có tầng hầm, phía trên có tum thang kỹ thuật.
Tuy nhiên, người dân vô cùng bất bình bởi một ngõ nhỏ hẹp thì việc xây dựng công trình “khủng” như vậy là bất hợp lý, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Không những thế, công trình xây tầng hầm bị phát hiện sai phạm nên bị đình chỉ thi công. Đến nay vẫn là bãi đất trống.
Ngoài ra, còn có trường hợp tự ý cải tạo sửa chữa nhà ở số 10 Hàng Chuối, ngang nhiên vi phạm trật tự xây dựng, phá vỡ quy định về quản lý biệt thự phố cổ. Sau phản ánh của báo Tiền Phong, UBND quận đã xử lý nhiều cán bộ phường Phạm Đình Hổ.
KTS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, biệt thự cổ Pháp có bề dày lịch sử, trải dài ở một số quận tạo ra quỹ di sản kiến trúc đồ sộ và rất có giá trị ở Hà Nội. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa, việc quản lý thiếu chặt chẽ đã khiến nhà biệt thự ngày càng ít đi. Theo KTS Tuấn, không thể khư khư giữ biệt thự thành “bảo tàng” mà phải phát triển cùng thời đại. Tuy nhiên, việc phát triển phải dựa trên bảo tồn chứ không phải bạ đâu làm nấy, chính quyền địa phương có trách nhiệm rất lớn trong việc này.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, theo phân cấp, việc quản lý các biệt thự trong Quy chế quản lý của UBND thành phố đã được phân cấp, giao cho UBND các phường trực tiếp quản lý. Nếu biệt thự bị cơi nới, sửa chữa, phá dỡ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan chức năng thì UBND phường phải chịu trách nhiệm.
Đối với những nhà biệt thự có nhiều hộ ở đang xuống cấp, Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia công tác cải tạo.