[ad_1]
So với khoảng 2 năm trước đây, thị trường BĐS Đà Nẵng có nhiều biến động lớn, nhất là giá đất nền. Một mặt bằng giá mới đã được hình thành và giá BĐS thay đổi chóng mặt là những câu chuyện đang thu hút sự quan tâm của dư luận.
Nhiều nhà đầu tư và môi giới bất động sản nhận định, sắp đến, giá đất trên địa bàn TP Đà Nẵng còn tiếp tục tăng, thậm chí tăng nóng do những thông tin khả quan về việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án về cơ sở hạ tầng, bất động sản…
Nguyên nhân bắt nguồn từ việc TP Đà Nẵng giao cho nhà tư vấn Singapore tiến hành lập quy hoạch cũng như nhiều nhà đầu tư Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào đầu tư tại Đà Nẵng cũng có tác động kích thích giá đất.
Ông Phan Tiến Quốc (chủ một sàn giao dịch bất động sản ở quận Ngũ Hành Sơn) phân tích cho thấy trong năm nay sẽ không có chuyện giá đất giảm vì đến thời điểm này, giá đất ở Đà Nẵng vẫn đang lên. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW đã tạo sự khích lệ, khởi sắc lớn cho môi trường đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng.
Đặc biệt, Đà Nẵng được quy hoạch tăng dân số, nhưng hiện tại thành phố mới có hơn 1 triệu dân mà quỹ đất vẫn giữ nguyên, rõ ràng nhu cầu về đất ở đô thị sắp tới tăng làm giá đất tiếp tục tăng. Đất thì có hạn mà người tăng gấp đôi, vì thế, người dân thành phố cần cẩn trọng và suy nghĩ hướng đầu tư bền vững, lâu dài về đất đai, thay vì lao theo cơn sốt đất có phần ảo rồi “lướt sóng” kiếm lời”.
Làn “sóng” BĐS Đà Nẵng lan ra vùng ven, tác động đến cả các khu vực đô thị Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ… tạo cơn sốt đất “đột biến” kéo dài ở Quảng Nam. Riêng không gian đô thị chung Đà Nẵng – Hội An, nhất là xung quanh Khu đô thị mới Điện Nam – Điện Ngọc, Khu công nghiệp Quảng Nam – Đà Nẵng, trên 5 phường mới với hơn 100 dự án giao dịch BĐS sôi động, có giá đất nền 5 – 7 triệu đồng/m2 giữa năm 2015 nay đã tăng 13 – 15 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Đứng trước tình hình có nguy cơ “vỡ trận” này, UBND TP Đà Nẵng vừa có báo cáo về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
UBND TP Đà Nẵng cho biết, vấn đề đặt cọc trong mua bán bất động sản chứa đựng nhiều rủi ro, trên địa bàn hiện có rất nhiều chủ đầu tư dự án bất động sản tiến hành rao bán bất động sản khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định pháp luật.
Qua kiểm tra, đa số các chủ đầu tư chưa ký kết hợp đồng mua bán bất động sản (có sẵn hoặc hình thành trong tương lai) mà thực hiện việc ký hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ với khách hàng với đầy đủ các nội dung như một hợp đồng mua bán bất động sản (như đặc điểm bất động sản, tiến độ nộp tiền, …), sau đó khách hàng này tiến hành “chuyển cọc” qua nhiều khách hàng thứ cấp để “hưởng chênh lệch”.
Theo UBND TP Đà Nẵng, đây là vấn đề không chỉ ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản, gây thất thu thuế của nhà nước, mà còn phát sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý hết sức khó khăn do hợp đồng đặt cọc, giữ chỗ chỉ là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định pháp luật về dân sự. Do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể, UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Ban chỉ đạo trình Chính phủ có ý kiến chỉ đạo vấn đề này.
Nhịp sống kinh tế