[ad_1]
Ngày 12/8, UBND TP Hạ Long tổ chức hội nghị công bố điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch xác định rõ xây dựng và phát triển TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ – du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long…
Cụ thể, vùng phát triển đô thị về phía Bắc là vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ thành phố Hạ Long; Vùng phát triển phía Đông là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của thành phố; Vùng phát triển phía Tây và Nam với chức năng đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng biển; Vùng phía Tây mở rộng với chức năng đô thị sinh thái, biển đảo, vùng bảo vệ nguồn nước, hệ sinh thái tự nhiên và các trung tâm du lịch – dịch vụ quốc tế, trung tâm giáo dục, thể dục, thể thao cấp vùng.
Quy mô dân số của Hạ Long đến năm 2030 khoảng 570.000 – 600.000 người; đến năm 2040 khoảng 720.000 đến 800.000 người. Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 7.852 ha; đến năm 2040 khoảng 10.880 ha. Không gian thành phố cũng được định hướng phát triển theo 10 khu vực với việc gắn kết thực trạng phát triển hiện nay với mục tiêu, định hướng và quy hoạch chi tiết trong tương lai…
Cũng theo điều chỉnh quy hoạch, hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội của TP Hạ Long được xác định sẽ chuyển dịch hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ sang sản xuất công nghiệp, cụm công nghiệp, dịch vụ hậu cần và kho bãi với diện tích khoảng 1.416ha.
Bên cạnh đó, phát triển tổ hợp dịch vụ thương mại, trung tâm mua sắm tại các khu vực cửa ngõ và trung tâm các khu vực đô thị để phục vụ phát triển du lịch quốc tế, du lịch chất lượng cao và nhu cầu nhân dân; phát triển du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại các vùng, các không gian đã quy hoạch; ưu tiên cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú chất lượng cao, phát triển các bãi tắm và dịch vụ công cộng…
Được biết, hạ tầng lột xác và du lịch bùng nổ là tiền đề để bất động sản Hạ Long tăng “phi mã” trong vài năm trở lại đây. Theo tìm hiểu, những vị trí đắc địa như khu vực ven biển dọc đường Trần Quốc Nghiễn, năm 2014 giá đất nền khoảng 33 triệu đồng/m2 thì đến 2018 đã tăng lên trên 66 triệu đồng/m2; Khu vực Cột 5 – 8 mở rộng, khu Đường Sông 3 chỉ mấy năm trước giá khoảng 11 triệu đồng/m2 đã tăng vọt trên 35 triệu đồng/m2 năm 2018 nếu vị trí đẹp.
Tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn, giá đất nền ở thị trường thứ cấp tăng gấp 2 – 3 lần, từ 20 – 25 triệu đồng/m2 năm 2015 tăng lên đến 40 – 60 triệu đồng/m2 năm 2018. Thậm chí, có những địa điểm gần trung tâm thương mại và khu du lịch, vui chơi giải trí, giá đất còn lên tới 100 triệu đồng/m2 và vẫn đang tiếp tục tăng trong năm 2019.
Không chỉ tăng liên tục về giá BĐS, 5 năm qua Hạ Long là thị trường duy nhất ở miền Bắc hội tụ tất cả các chủ đầu tư lớn vào phân khúc bất động sản như Vingroup, Sungroup, FLC, Bimgroup, Gleximco…Hiện nay, thị trường BĐS Hạ Long đang tiếp tục thu hút hàng loạt những doanh nghiệp BĐS mới đổ dồn về đầu tư có thể kể đến những cái tên như Sunshine Group, HDmon, Lạc Hồng…
Đánh giá về thị trường BĐS Hạ Long trong thời gian tới, ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Bộ phận Tư vấn Savills Hà Nội cho hay tại Hạ Long, nguồn cung của dòng sản phẩm bất động sản du lịch khá lớn. Trên thực tế, dù tốc độ phát triển du lịch của khu vực này hiện đang rất ấn tượng thì cũng không đảm bảo tất cả các dự án đều thành công. Tùy từng dự án và năng lực của chủ đầu tư mà tiềm năng gia tăng giá trị và mức độ rủi ro khác nhau.
Cũng theo ông Sơn, Vịnh Hạ Long là kỳ quan thiên nhiên thế giới nhưng hiện nay các sản phẩm du lịch tại thị trường này còn khá nghèo nàn và chưa tương xứng với tiềm năng. Đối với các nhà đầu tư, cần cẩn trọng, đầu tư theo đúng nhu cầu, mong muốn của mình chứ không chạy theo trào lưu.
Trí thức trẻ