[ad_1]
Vì sao second home lại hút giới đầu tư?
Bên cạnh các dòng sản phẩm truyền thống như Branded villa (biệt thự nghỉ dưỡng có thương hiệu trong các khu resort), condotel (căn hộ khách sạn), thị trường BĐS nghỉ dưỡng còn ghi nhận mô hình second home (loại hình vừa phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng thường xuyên, vừa có thể cho thuê lại trong thời gian không sử dụng). Sự xuất hiện của dòng sản phẩm này ngay lập tức thu hút sự quan tâm của giới đầu tư bởi tính tiện lợi và giá trị kết hợp giữa nghỉ dưỡng lẫn đầu tư sinh lời.
Theo số liệu kết quả khảo sát nhu cầu second home do Vnexpress thực hiện, cho thấy, đa số NĐT kì vọng mức lợi nhuận 10-15%/năm khi đầu tư cho thuê ngôi nhà nghỉ dưỡng. Và gần 75% thích second home tọa lạc ở vùng biển, nằm trong khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, giải trí. Đặc biệt, theo kết quả khảo sát gần 90% muốn mua second home để vừa đầu tư cho thuê, vừa nghỉ dưỡng cho cả gia đình.
NĐT đặc biệt quan tâm đến loại hình second home, vừa có thể nghỉ dưỡng kết hợp đầu tư cho thuê khi nhàn rỗi. Ảnh: Hạ Vy
Điều này để thấy, không phải ngẫu nhiên mà mới đây, Việt Nam lọt top 20 thị trường second home mới nổi (theo Telegraph). Về mức giá, Việt Nam xếp thứ 3 trong danh sách các thị trường second home hấp dẫn có giá trung bình trên 500.000 bảng (khoảng 635.000 USD), sau Kenya và Slovenia.
Lý do là bởi các khu vực phát triển ngôi nhà nghỉ dưỡng hầu hết sở hữu địa hình tự nhiên đẹp với các bãi cát biển trải dài và được đánh giá cao tiềm năng nhờ thu hút đông du khách quốc tế.
Theo Telegraph, đa phần các second home dành cho người nước ngoài tại Việt Nam tập trung vào loại hình biệt thự nghỉ dưỡng với mức giá khoảng 1,1 -1.7 triệu bảng Anh (gần 1,3 – 1.65 triệu USD) có lợi thế gần biển và không quá cách xa Tp.HCM.
Sự tăng trưởng của lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam những năm gần đây đã tác động rõ nét đến khẩu vị của NĐT với dòng sản phẩm này.
Tại hội thảo “Thị trường BĐS nghỉ dưỡng, cơ hội nào cho second home”, diễn ra ngày 15/6 tại Tp.HCM, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trong vòng 3 năm (từ năm 2015-2018), lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam đã tăng gấp 2 lần so với kết quả tích lũy suốt 55 năm trước đó. Mức độ tăng trưởng trung bình của lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt mức 30%/năm.
Năm 2018, du lịch Việt Nam đứng thứ 3 trong top 10 điểm du lịch phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Riêng 5 tháng đầu năm 2019 lượng khách nước ngoài đã đạt được 7,3 triệu lượt, tăng 9% so với cùng kì.
“Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch suốt từ bắc vào nam ngày càng phát triển. Hiện ngành du lịch nước ta có 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và trên 6.000 cơ sở lưu trú với 530.000 buồng”, bà Lan thông tin và nhấn mạnh, chính sự tăng trưởng vượt trội của khách du lịch đã tác động rõ nét đến thị trường BĐS nghỉ dưỡng, đặc biệt loại hình ngôi nhà nghỉ dưỡng.
Theo bà Lan, trên 70% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chọn du lịch nghỉ dưỡng là mục đích của họ. Do đó, loại hình ngôi nhà thứ 2 vừa nghỉ dưỡng, vừa tận dụng đầu tư khi nhàn rỗi dự báo sẽ trở thành xu hướng tất yếu của thị trường BĐS du lịch Việt Nam trong thời gian tới. “Không chỉ với giới thượng lưu mà đây sẽ là trở thành trào lưu của giới trẻ ở độ tuổi 35-40 bởi nó đánh giá được thương hiệu và giá trị của bản thân họ”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhấn mạnh.
Những thị trường nào đang rơi vào “tầm ngắm” của giới đầu tư
Hiện trên thị trường đã xuất hiện các sản phẩm second home được đầu tư bởi các ông lớn BĐS, điển hình như dự án NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm của Tập đoàn Novaland đang được triển khai rầm rộ trên thị trường, thu hút sự quan tâm của giới đầu tư.
Song song đó, các khu vực có lợi thế du lịch biển như Mũi Né, Nha Trang, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định… cũng “gọi tên” các sản phẩm second home của nhiều đơn vị phát triển dự án BĐS nghỉ dưỡng. Hầu hết các dự án này đều chọn vị trí “bám biển” và chỉ cách Tp.HCM khoảng 2-3 giờ chạy xe theo các tuyến cao tốc hoặc lưu thông qua đường thủy.
Dòng tiền của NĐT cá nhân cũng bắt đầu dịch chuyển mạnh về phân khúc này trước làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp lớn.
Theo khảo sát có đến gần 75% người mua thích second home ở vị biển
Khi được hỏi, đâu là thị trường second home đang được NĐT hướng tới mạnh nhất ở giai đoạn này, bà Dương Thị Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam phân tích: Nếu xét ở nhu cầu đầu tư cho thuê thì không thể phủ nhận Nha Trang, Đà Nẵng là các thị trường dễ cho thuê nhất vì tốc độ tăng trưởng du lịch cao. Đây là các điểm đến đã quá “hot” trong thời gian qua, giá bán ra cao, tuy nhiên sự cạnh tranh cũng khá khốc liệt. “Bất cứ thị trường nào khi mọi người đổ xô tới thì mặt trái của nó là sự cạnh tranh cao. Do đó, khi khai thác cho thuê chắc chắn sẽ chịu sự cạnh tranh của “hàng xóm” xung quanh”, bà Dung cho hay.
Nếu xét ở nhu cầu nghỉ dưỡng với lịch trình thường xuyên kết hợp cho thuê khi không sử dụng thì theo bà Dung các địa điểm như Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Mũi Né sẽ là lựa chọn phù hợp. Theo vị Giám đốc CBRE, mặc dù khả năng cho thuê không bằng các thị trường Nha Trang, Đà Nẵng nhưng lợi thế của các khu vực này là vị trí gần Tp.HCM và đang nổi lên là vùng du lịch tiềm năng khi lượng khách quốc tế đến ngày càng đông, vừa kết hợp đầu tư và đưa gia đình nghỉ dưỡng cuối tuần. Chưa kể, xét về mức giá đầu tư thì giá cả còn ở ngưỡng vừa phải là lợi thế so với các thị trường đã “nóng”.
“Cân nhắc giữa việc mua để nghỉ dưỡng và đầu tư cho thuê thì cơ sở hạ tầng đóng vai trò rất quan trọng đối với quyết định “xuống tiền” của NĐT”, bà Dung nhấn mạnh.
Những lợi thế về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng giữa Tp.HCM với Bà Rịa – Vũng Tàu hay Phan Thiết đang trở thành một điểm nhấn quan trọng đối với nhu cầu sở hữu BĐS nơi đây. Theo bà Dung, trong vòng 5 năm nữa, loạt hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối Phan Thiết với Tp.HCM được hoàn thiện, đưa vào sử dụng sẽ là đòn bẩy cho thị trường nhà nghỉ dưỡng tại khu vực này.
“Nếu đợi thị trường đã chín muồi thì khả năng tăng giá trị sản phẩm sẽ ít. Vì thế, những NĐT có tầm nhìn thường sẽ bỏ tiền vào các thị trường mới nổi hoặc bắt đầu nhộn nhịp trở lại mới có khả năng gia tăng giá trị đầu tư”, bà Dung nhắn nhủ.
Trao đổi về những “lấn cấn” của người mua đối với pháp lý của BĐS nghỉ dưỡng, bà Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sự Tp.HCM cho rằng, theo Luật Đất đai hiện hành, đất làm BĐS nghỉ dưỡng là đất thương mại – dịch vụ thì thời hạn sử dụng tối đa là 50 năm, hết hạn có thể gia hạn nếu có nhu cầu. Đối với các doanh nghiệp thuê đất của nhà nước làm dự án, trả tiền thuê đất một lần thì theo Luật có quyền chuyển nhượng/bán cho người khác. Có nghĩa là doanh nghiệp đó có quyền sử dụng đất của mình và có quyền chuyển nhượng sở hữu với tài sản trên đất (biệt thự/nhà phố…)
“Chúng ta nói pháp lý BĐS nghỉ dưỡng chưa hoàn thiện là không đúng, là do chúng ta đang ước mơ sở hữu vĩnh viễn tài sản, còn hiện tại đang tính thời hạn 50 nên thành ra lấn cấn và luôn nghĩ rằng pháp lý chưa hoàn thiện. Quan trọng ở đây là khi bán hàng CĐT phải tính sao cho phù hợp với tính chất pháp lý của sản phẩm, với số tiền tích lũy của người mua và đặc biệt bản thân doanh nghiệp phải rõ ràng, minh bạch thông tin với người mua ngay từ ban đầu (khi mua sản phẩm NĐT được sở hữu đến thời hạn nào). Với những chủ đầu tư uy tín thì câu chuyện hệ lụy pháp lý không đáng lo ngại”, Luật sư Hòa nhấn mạnh.
Tuy vậy, theo bà Hòa, liên quan đến vấn đề tài sản trên đất, mua bán BĐS nghỉ dưỡng thì khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ càng pháp lý dự án, hiểu rõ tính chất của từng loại hình sản phẩm, phân khúc trên thị trường hiện nay.
Trí Thức Trẻ