[ad_1]
Về xu hướng ưa thích bất động sản Việt Nam của người Trung Quốc, cụ thể với Thành phố Hồ Chí Minh, Bloomberg đưa ra phân tích: “Đối với người Trung Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh có sức hút rất lớn. Đầu năm 2016, nhiều chuyên gia đánh giá thành phố này có tiềm năng để phát triển mạnh như Thượng Hải với nhiều khu trung tâm thương mại sang trọng thay thế những vùng đất nông nghiệp bị bỏ hoang.
Người Trung Quốc cho rằng, Việt Nam bây giờ có rất nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc giai đoạn một thập kỷ trước – một quốc gia ổn định về chính trị, có nhiều tiềm năng để trở nên phồn thịnh nhờ vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất khẩu nở rộ, cũng như mối quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia”.
Kể từ khi luật pháp Việt Nam cho phép người nước ngoài sở hữu căn hộ vào tháng 7/2015, nhà ở phân khúc cao cấp đã trở nên thu hút với người ngoại quốc. 3 năm trước, khi Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh ra mắt khu dân cư đầu tiên ở khu vực Thủ Thiêm – mức giá là 2.000 – 2.800 USD/ mét vuông. Dự án Metropole có thể sẽ có giá cao hơn gấp đôi, từ 4.500 – 6.500 USD/ mét vuông.
Đối với các nhà đầu tư Trung Quốc, bất động sản ở thị trường quê nhà đã bị đẩy giá tăng vọt. Từ năm 2009 đến nay, giá nhà đất ở Thượng Hải tăng tới 270%, vì thế, thị trường căn hộ cao cấp của Việt Nam có vẻ sẽ là tiềm năng hơn cho họ. Đầu năm nay, China Vanke Co. – nhà phát triển bất động sản lớn thứ ba Trung Quốc, đã khởi công xây dựng một dự án ven sông ở Phố Đông Thượng Hải với giá hơn 15.000 USD mỗi mét vuông, đắt hơn gấp đôi so với dự án Metropole.
Người Trung Quốc đặc biệt hứng thú với bất động sản sang trọng ở Việt Nam. Năm 2018, chỉ có 23% số nhà ở sang trọng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh được bán cho người Việt Nam, trong khi đó 30% là bán cho người Trung Quốc đại lục. Người Hong Kong chiếm 11% và người Đài Loan chiếm 4%.
Cơn “sốt” đất ở Thành phố Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận, nhưng Bloomberg cũng đặt dấu hỏi về việc tuy rằng bất động sản ở đây rẻ hơn nhiều so với Thượng Hải, nhưng rõ ràng về cơ sở hạ tầng, Việt Nam chưa thể bắt kịp Trung Quốc.
Hệ thống giao thông của Thành phố Hồ Chí Minh theo Bloomberg đánh giá là tương đối cũ so với Thượng Hải. Hơn nữa, cách đây 10 năm, Thượng Hải đã là một đô thị lớn của thế giới, nhưng Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay thì rõ ràng là chưa được như vậy.
80% những người Trung Quốc mua bất động sản tại đây đã trả lời rằng họ không mua để ở mà mua để đầu tư. Vậy thì khoản đầu tư này có thể mang lại điều gì? Bloomberg cảnh báo, việc bất động sản ở thành phố này trở nên quá “nóng” với người nước ngoài chưa hẳn đã là một điều tốt đối với Việt Nam.
Trí thức trẻ/Bloomberg