[ad_1]
Theo Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2025, TPHCM sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của thành phố; 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt một ray (monorail).
Bên cạnh tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2 đang được xây dựng, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết hàng loạt dự án metro khác cũng đang được triển khai.
Cụ thể các tuyến này bao gồm:
– Tuyến metro số 5 giai đoạn 1 (đoạn ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn) với tổng chiều dài khoảng 8,9km (1,4km đi cao – 7,5km đi ngầm) và 9 nhà ga. Dự án đã thu xếp đủ vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Tây Ban Nha. Tổng chi phí dự kiến là 1,92 tỷ USD. Hiện nay, Ban Quản lý đang hoàn chỉnh hồ sơ xin chủ trương đầu tư theo ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định Nhà nước.
– Tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 2 (đoạn Bến Thành – Thủ Thiêm và đoạn Tham Lương – Tây Ninh) có chiều dài khoảng 9,1km và 9 nhà ga, tổng chi phí dự kiến 1,482 tỷ USD. Ủy ban châu Âu đã đồng ý tài trợ một khoản hỗ trợ kỹ thuật (khoảng 6 triệu EUR) để thực hiện nghiên cứu khả thi cho dự án. Hiện TPHCM đang phối hợp với Ngân hàng KfW chuẩn bị các thủ tục để tiếp nhận khoản hỗ trợ kỹ thuật này.
– Tuyến đường sắt đô thị số 3a (Bến Thành – Ga Tân Kiên). Trong đó: đoạn Bến Thành – Bến xe miền Tây (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 9,89km và 10 nhà ga, tổng chi phí dự kiến khoảng 1,82 tỷ USD; đoạn Bến xe miền Tây – Ga Tân Kiên (giai đoạn 2) có tổng chiều dài 9,69km và 7 nhà ga, tổng chi phí dự kiến khoảng 1 tỷ USD. JICA cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi đã được tư vấn của JICA hoàn tất vào tháng 5-2017. Ban Quản lý đã tham mưu cho UBND TPHCM trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề xuất dự án.
– Tuyến đường sắt đô thị số 4 (Thạnh Xuân – Khu đô thị Hiệp Phước) có chiều dài khoảng 35,75km và 32 nhà ga, tổng chi phí dự kiến 4,57 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, có 3 nhà đầu tư chính thức thể hiện sự quan tâm đến tuyến này là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Công ty GS E&C và Liên doanh Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô – Công ty Mosmetrostroy. Các nhà đầu tư này hiện đang trong quá trình nghiên cứu đề xuất dự án.
– Tuyến đường sắt đô thị số 4b (Công viên Gia Định – Lăng Cha Cả) có chiều dài khoảng 3,5km và 3 nhà ga, tổng chi phí dự kiến 0,8 tỷ USD. Ngân hàng KEXIM tài trợ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại để thực hiện dự án Hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu tiền khả thi cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 4b giai đoạn 1 (đoạn dài khoảng 1,7km từ sân bay Tân Sơn Nhất đến Công viên Hoàng Văn Thụ).
– Tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới – ngã tư Bảy Hiền) có chiều dài khoảng 14,5km và 13 nhà ga, tổng chi phí dự kiến 2,105 tỷ USD. Hiện có 2 nhà đầu tư chính thức quan tâm đến dự án này, gồm: Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) đang hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi cho dự án; Công ty TNHH Lotte E&C (Hàn Quốc) đang thực hiện nghiên cứu đoạn từ Ga Đại học Y Dược đến Bến xe Cần Giuộc mới của dự án, theo hình thức hợp tác công – tư (PPP).
– Tuyến đường sắt một ray số 2 (quốc lộ 50 – Khu đô thị Bình Quới) có chiều dài khoảng 27,2km, tổng chi phí dự kiến 0,715 tỷ USD. UBND TPHCM và chính quyền thành phố Busan đã ký Bản ghi nhớ hợp tác thực hiện nghiên cứu tiền khả thi cho dự án bằng vốn viện trợ không hoàn lại của KOICA (tháng 5-2017). Hiện hai bên đang xúc tiến các thủ tục tiếp theo để triển khai nghiên cứu.
Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đến nay đã thi công đạt 75% tiến độ, kỳ vọng sẽ hoàn thành 100% trong năm 2020 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý đang tích cực kêu gọi đầu tư cho các dự án khác như: tuyến đường sắt đô thị số 3b (Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước) có chiều dài khoảng 12,2km và 10 nhà ga, tổng chi phí dự kiến 1,87 tỷ USD; tuyến đường sắt đô thị số 6 (Bà Quẹo – Vòng xoay Phú Lâm) có chiều dài khoảng 6,8km và 7 nhà ga, tổng chi phí dự kiến 1,33 tỷ USD;
Tuyến đường sắt một ray số 3 (ngã tư Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh – Ga Tân Chánh Hiệp) có chiều dài khoảng 10km, tổng chi phí dự kiến 0,4 tỷ USD; tuyến đường sắt đô thị số 2 giai đoạn 3 (Bến xe Tây Ninh – Khu Tây Bắc Củ Chi) có chiều dài khoảng 28km và 22 nhà ga, tổng chi phí dự kiến là 2,714 tỷ USD;
Tuyến xe điện mặt đất số 1 (Ba Son – Bến xe miền Tây) có chiều dài 12,8km và 23 nhà ga, tổng chi phí dự kiến là 0,25 tỷ USD.
Ông Bùi Xuân Cường cho biết thêm những ngày cuối năm Mậu Tuất 2018, những khó khăn, vướng mắc về vốn cho nhà thầu trong quá trình thi công tuyến metro số 1 đã được giải quyết theo hướng, kiến nghị UBND TP.HCM cho tạm ứng đợt 1 năm 2019 là 2.248 tỷ đồng để thanh toán và tạm ứng 80% vốn thi công cho các nhà thầu đã thực hiện công trình trong năm 2018.
Đối với dự án xây dựng tuyến metro số 2, có 602 hộ bị ảnh hưởng với tổng diện tích 251.136 m2; đến nay đã có 105 trường hợp nhận tiền bồi thường nhưng mới có 54 trường hợp bàn giao mặt bằng.
Trí Thức Trẻ