[ad_1]
Đó là báo cáo của Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) mới đây. Theo Hiệp hội, tình hình tranh chấp tại các nhà chung cư có biểu hiện gia tăng do xu thế phát triển ngày càng nhiều nhà chung cư và do các tầng lớp nhân dân đô thị đang có xu thế lựa chọn sinh sống tại căn hộ chung cư. Toàn thành phố có khoảng 105 chung cư đang có tranh chấp ở các mức độ khác nhau, trong đó có 9 chung cư có tranh chấp gay gắt, phức tạp.
Việc tranh chấp chủ yếu xoay quanh các vấn đề như:
Tranh chấp về quỹ bảo trì nhà chung cư: Một số chủ đầu tư, cư dân không đóng góp kinh phí bảo trì theo quy định của Luật Nhà ở 2005 hoặc không bàn giao quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư theo quy định của pháp luật.
Tranh chấp về dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư: Tranh chấp giữa chủ đầu tư và Ban quản trị nhà chung cư về việc đóng kinh phí vận hành nhà chung cư đối với phần diện tích thuộc sỡ hữu riêng của chủ đầu tư; tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân về mức thu kinh phí vận hành nhà chung cư; tranh chấp giữa đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư và cư dân về mức thu kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư, về việc công khai việc thu-chi trong công tác quản lý vận hành nhà chung cư, về chất lượng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư.
Tranh chấp do chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu, bầu Ban quản trị chung cư: Một số chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư do muốn tự quản lý vận hành nhà chung cư; muốn quản lý sử dụng kinh phí bảo trì chung cư và khai thác kinh doanh phần diện tích thuộc sở hữu chung. Chủ đầu tư tổ chức hội nghị chung cư lần đầu nhưng không đạt kết quả do cư dân không tham gia đạt tỷ lệ quy định.
Ngoài ra, xuất hiện một số tranh chấp khác tại nhà chung cư như: Tranh chấp phần sở hữu chung trong chung cư (nhà để xe, phòng sinh hoạt cộng đồng, các diện tích có thể kinh doanh cho thuê…); về chất lượng xây dựng chung cư, chất lượng thiết bị, công trình phòng cháy chữa cháy; một số chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng cam kết tiến độ; một số chủ đầu tư không làm “sổ đỏ” kịp thời cho người mua nhà thậm chí kéo dài nhiều năm…
Theo HoREA, hiện vấn đề về nhà chung cư đang tồn đọng những vước mắc điển hình cần tháo gỡ. Cụ thể như, vướng mắc về chủ tài khoản của ban quản trị chung cư. Nhiều hội nghị chung cư chỉ quy định 01 người trong Ban quản trị làm chủ tài khoản, có thể dẫn đến tình trạng lạm quyền, lạm chi, trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho cư dân.
Bên cạnh đấy, tiêu chuẩn thiết kế, diện tích tối thiểu căn hộ nhà chung cư thương mại; Quy chuẩn về loại hình shophouse, officetel, serviced apartment trong khối nhà chung cư vẫn chưa rõ ràng. Đặc biệt, thời gian qua, có hiện tượng phần tử ngoài xã hội tìm cách chui vào Ban quản trị chung cư để trục lợi cá nhân, làm thiệt hại đến lợi ích của cư dân, với thủ đoạn mua căn hộ nhỏ nhất, vận động để được bầu làm Trưởng ban quản trị, sau đó thực hiện hành vi trục lợi, có cả trường hợp bán lại căn hộ chung cư mà cư dân không hay biết, thậm chí từ bỏ vị trí Trưởng ban quản trị sau khi đã trục lợi xong.
Theo Nhịp Sống Kinh Tế